Trong khi hệ thống các trường mầm non đều quá tải bởi thiếu trường lớp, TPHCM vẫn còn hàng trăm trường mầm non có vô số điểm lẻ (các điểm giảng dạy nhỏ lẻ của trường, do trường thiếu cơ sở vật chất). Nhiều điểm lẻ là dạng nhà phố xuống cấp, bị bỏ trống lãng phí.
Một trường có... 9 điểm lẻ
Người dân khu vực đường Nguyễn Hữu Hào (quận 4) không khỏi xót xa khi thường xuyên chứng kiến cảnh cả cô và trò Trường Mầm non 6 phải lội bì bõm trong con hẻm nhỏ để vào trường học những lúc trời mưa hay triều cường. Nói là trường nhưng thực chất chỉ có 2 lớp học và đây là một trong 8 điểm lẻ của trường.
Bà Lê Thị Điệp, Phó phòng Giáo dục quận 4 cho biết: “Quận 4 chỉ có 15 trường mầm non nhưng có đến hơn 50 điểm lẻ, mỗi điểm chỉ có 1 - 2 phòng học, trong đó có một điểm phải sử dụng làm kho chứa đồ vì xuống cấp. Trường Mầm non 12 cũng có 7 điểm lẻ. Những điểm lẻ này đa số là nhà dân được trưng dụng làm lớp học, không có sân chơi, khuôn viên chật chội”.
Ở quận 1, có 4 trường mầm non với 18 điểm lẻ, trong đó Trường Nguyễn Thái Bình có đến 6 điểm lẻ. Quận 3 có 10 trường, mỗi trường có từ 3 đến 6 điểm lẻ. Trong đó có 3 điểm lẻ xuống cấp không thể sử dụng được. Ở quận 11 cũng có khoảng 4 trường có điểm lẻ và điểm nào cũng nhỏ, xuống cấp.
Ở các huyện ngoại thành như Củ Chi có đến 15 trường có điểm lẻ. Trong đó phải kể đến Trường Mầm non Tân Thạnh Đông có đến 9 điểm lẻ, Trường Phú Hòa Đông 8 điểm, Trường Bình Mỹ 7 điểm. Huyện Bình Chánh có 11 trường có điểm lẻ, trong đó Trường Mầm non Hoa Sen có 7 điểm lẻ.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở huyện Bình Chánh lo lắng: “Khi học sinh xảy ra tai nạn khó được sơ cứu ngay vì không có phòng y tế tại chỗ. Còn khoảng cách giữa các điểm lẻ với trường chính khá xa, có khi từ 7 - 12km.
Cô Lê Thị Ba, Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 (quận 4) cho biết: “Trường có tới 4 điểm lẻ. Quản lý một trường mầm non có nhiều điểm lẻ rất vất vả và luôn trong tâm trạng bất an, vì mỗi điểm chỉ có một vài lớp học nên không thể có phòng y tế hay phòng chức năng và các phương tiện để xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra”.
Tiến tới thanh lý điểm lẻ
Theo đề án phổ cập trẻ 5 tuổi đã được phê duyệt, đến năm học 2014 - 2015, 95% trẻ 5 tuổi sẽ được học hai buổi/ngày, 100% trẻ trong các cơ sở mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 100% giáo viên dạy trẻ mầm non 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo...
Tại TPHCM, trong tổng số 81.190 trẻ 5 tuổi ra lớp vẫn còn 7.520 trẻ phải học 1 buổi/ngày, chưa kể nhiều trẻ vẫn còn phải học trong các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình kém chất lượng, đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn. Nhiều nơi phải sử dụng bảo mẫu thay thế.
Ở TPHCM, dự thảo đề án phổ cập trẻ 5 tuổi cũng chỉ rõ, để đảm bảo chỗ học đúng chuẩn cho trẻ mầm non 5 tuổi là 35 học sinh/lớp, từ nay đến năm 2015, TP cần xây thêm 760 lớp học mới, tương đương gần 40 trường và 5 trường đạt chuẩn quốc gia ở 5 huyện ngoại thành. Để thực hiện phổ cập cho trẻ 5 tuổi, một trong những yếu tố quyết định là phải xây dựng những ngôi trường đúng nghĩa, đủ chuẩn.
Bên cạnh các trường đạt chuẩn cơ bản, TP vẫn còn hàng trăm ngôi trường không đảm bảo yêu cầu. Trong số 407 trường mầm non công lập của TPHCM, có tới 101 trường có điểm lẻ và trung bình mỗi trường có từ 2 đến 9 điểm lẻ. Toàn TP chỉ có quận Thủ Đức không có điểm lẻ cần sửa chữa, còn lại 23 quận huyện đều có các điểm lẻ xuống cấp.
Ông Lê Trường Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục quận 3, cho biết: Trong đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp từ nay đến năm 2020, quận 3 đề ra phương án giải quyết các cơ sở giáo dục mầm non có điểm lẻ theo hướng chọn một điểm thuận lợi để nâng cấp mở rộng và những điểm lẻ còn lại sẽ hoán đổi với nhau hoặc vận động nhà dân để hoán đổi.
Một phương án khác là tổ chức bán những cơ sở này để xây dựng, mở rộng trường chính. Hiện nay, quận đang triển khai cách làm trên ở phường 1. Nếu thực hiện được, sẽ xây Trường Mầm non 1 với diện tích trên 1.200m2 vào quý 1 năm 2011.
Chờ một cơ chế
Theo ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng Giáo dục quận 1, cần có một cơ chế rõ ràng trong việc định giá tài sản và tái sử dụng kinh phí vào quỹ xây dựng trường lớp để đầu tư xây dựng trường mầm non đạt yêu cầu nhằm tăng chỗ học cho trẻ. Giải pháp thanh lý điểm lẻ là một giải pháp khả thi tiến đến xây dựng những ngôi trường khang trang, đạt chuẩn.
Trao đổi với chúng tôi, Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều đi kiểm tra thực tế điểm lẻ của các trường mầm non và nhận thấy các phòng học dạng này là những nhà phố được sử dụng từ sau giải phóng, đa số bị xuống cấp nhưng không có kinh phí hoặc có cũng rất nhỏ giọt, khiến các trường phải hoạt động trong cảnh thiếu thốn nhiều năm nay. Mỗi điểm chỉ có một vài lớp học không đúng với quy cách của trường mầm non. Trong bối cảnh thiếu chỗ học cho trẻ mầm non như hiện nay, các quận huyện nên đẩy nhanh việc thanh lý, bán điểm lẻ để lấy kinh phí xây dựng, mở rộng điểm chính nhằm tăng chỗ học cho trẻ”.
Cách đây 10 năm, quận 1 đã bán đấu giá một điểm lẻ trên đường Mạc Thị Bưởi được 20 tỷ đồng. Với số tiền này, quận 1 đã xây dựng được Trường Mầm non Bé Ngoan, Hoa Quỳnh và xây mới một trường tiểu học.
LINH CHUYÊN