Thao thức dòng đời là tập thơ thứ hai của Nguyễn Hồng Vinh. Lật trang thơ đầu tiên, tôi bắt gặp một thao thức – có thể gọi là “chìa khóa” để lần tìm bên trong thế giới nghệ thuật thơ Hồng Vinh: “Dòng đời chảy dọc tháng năm – Trong tôi buồn vui sâu lắng - Vời vợi bao miền hoài niệm – Thao thức, dòng thơ bật mầm” (Thao thức).
Những gì hiện hữu trong Thao thức dòng đời chính là những hoài niệm vui buồn đã kết thành tình yêu vời vợi theo tháng năm để trong những khoảnh khắc bất chợt, những mảnh vỡ ký ức ấy lại đồng hiện trong từng giấc mơ, từng cảm giác bé nhỏ của nhà thơ để kết thành hình hài câu chữ và hình tượng đánh thức những nghĩ suy và tiềm lực sống – trước hết cho chính người thơ và sau đó chia sẻ với thi nhân.
Đó là thơ của tiếng lòng chân thành, đằm thắm – như nhà thơ Hữu Thỉnh đã khái quát trong lời tựa: “Là bạn đọc, ta thấy hành trình của anh với một không gian khá rộng, đó là thông tin cấp một. Thông tin cấp hai, quan trọng quyết định là nhịp đập của hồn anh. Xem ra, những gì mà anh kể lại với chúng ta đều bình dị, dễ thương, dễ gặp, dễ thấy hàng ngày. Người vô tình có thể để trôi qua, tuột mất. Còn Hồng Vinh, con người có vẻ đa sự này thì đã kịp buộc giữ chúng lại bằng một thứ ngôn ngữ cũng bình dị như việc đời, như sự sống…”.
Tôi đồng tình với nhận định này của nhà thơ Hữu Thỉnh về thơ Hồng Vinh. Nếu không biết lưu giữ và thao thức về những va đập cùng những kỷ niệm đáng nhớ thì làm sao thơ bật mầm sự thật đáng yêu, đáng lưu giữ trong ngôi nhà tâm hồn của chính người thơ sâu lắng yêu thương và dứt day trăn trở về nhân tình, thế thái!
Mẹ dạy con làm điều nhân nghĩa
Đời nhắc con sống trọn tình người
Cha cho con móng nhà vững chãi
Đất nước cho con ngôi nhà bình yên…
(Cho)
Đó chính là cơ sở, là cốt lõi của nhân cách và phẩm giá làm người, mà thơ lại là nơi lưu giữ những xúc động sâu xa, để rồi lan tỏa tới người đọc. Tất cả đã đi vào thơ Hồng Vinh chân thành và day dứt. Nghĩ về người bạn Nguyễn Quốc Hiệp, anh nghĩ về những tấm ảnh Trường Sơn một thời máu lửa.
Trong chiếc ba lô ngày trở lại Hà thành
Ắp đầy những tấm hình đen trắng
Của một thời Trường Sơn chiến tranh
Cao đẹp tình người, lẽ sống!...
(Những tấm ảnh Trường Sơn)
Bài thơ Anh nằm nơi nao kể về cuộc đi tìm mộ người anh liệt sĩ sau chiến tranh đã thật sự làm người đọc xót xa, quặn thắt. Anh đi nhiều, quan sát và cảm nhận thực tiễn bằng lý trí tỉnh táo, đồng thời bằng rung cảm của trái tim người làm thơ. Đó chính là thế mạnh song hành không phải ai cũng có được. Từ Đất Mũi phương Nam liên hệ đến nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, là một liên tưởng đồng đẳng để tác giả chiêm nghiệm. Rồi nhà thơ lại xót xa phóng tầm nhìn về biển bão để “đau ruột, thắt tim” cùng ngư dân trong cơn hải nạn với sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc.
Cái làm nên thao thức thơ thường là những gì đã thuộc về dĩ vãng, luôn thường trực trong suy nghĩ và giấc mơ. Chúng là ký ức đồng dao tâm tưởng để nhà thơ luôn mắc nợ với quê hương, với người thân để không thôi nuối tiếc, mong muốn bù đắp bằng lòng nhân ái, vị tha, níu giữ và neo buộc tình cảm để biến thành hành trang có ích cho mình, cho đời.
Chỉ có tâm, con người mới hướng về tha nhân bằng cảm thức của người trong cuộc đồng cảm, sẻ chia. Khi ấy, mọi nhỏ nhen, tầm thường sẽ biến mất, chỉ còn tình đời nhân ái, bao dung. Riêng thơ tình của Hồng Vinh trẻ trung và nghiêng về “kính nhi viễn chi” để chiêm ngưỡng và tôn thờ, hơn là đam luyến bồng bột.
Trong lắng đọng thẳm sâu, không phải chỉ một lần Hồng Vinh nghĩ về những khoảnh khắc bất chợt, mong manh. Giờ đã qua xao xác thời gian, chúng trở thành dư âm, dư hương lặng lẽ dù “thời gian phôi pha nhan sắc – Không gian ngăn cách lứa đôi – Kỷ niệm vẫn âm thầm chảy” (Không gian, thời gian). Đó phải chăng là bão lòng trong sự đồng cách hóa với biển trời để được vỗ về, an ủi.
Không phá cách, không cầu kỳ, thơ Hồng Vinh cân bằng được giữa thơ niêm luật và thơ tự do. Thế mạnh về sự từng trải, vốn sống trực tiếp và cảm xúc, đã làm cho thơ Hồng Vinh có sự chuyển hóa hài hòa, đó là con đường để thơ anh bền vững và có sức đi xa
(Đọc tập thơ Thao thức dòng đời của Nguyễn Hồng Vinh)
THÁI HÀ