Thắp lửa “em yêu khoa học”

Ngày hội em yêu khoa học vừa diễn ra ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 TPHCM đã thu hút gần 200 học sinh-những nhà khoa học “nhí”. Từ những trải nghiệm, khám phá những hiện tượng khoa học, những điều kỳ diệu ở xung quanh, học sinh đã được truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ.

Ngày hội em yêu khoa học vừa diễn ra ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 TPHCM đã thu hút gần 200 học sinh-những nhà khoa học “nhí”. Từ những trải nghiệm, khám phá những hiện tượng khoa học, những điều kỳ diệu ở xung quanh, học sinh đã được truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ.

Hòa vào không khí tranh tài của các em học sinh khối lớp 2, 3, 4 trong tiết mục “Rung chuông vàng”-kiểm tra kiến thức và vận dụng những điều đã học vào thực tiễn sinh động của đời sống, thế giới xung quanh mới thấy sự hào hứng, vui tươi lan tỏa trên từng khuôn mặt.

Những tiếng reo hò vang dậy mừng chiến thắng của từng đội minh chứng thực tế học gắn liền với thực hành, ứng dụng thực tế sẽ giúp học trò nhớ lâu, thấm sâu. Không dừng ở đó, các em còn trổ tài thuyết trình về những dự án, mô hình được làm từ những nguyên liệu phế thải, tiết kiệm chi phí từ chai lọ, ống nhựa, đất sét… Thật ngưỡng mộ khi các em khối lớp 2, 3 và 4 có thể làm được mô hình “Hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời”, “Ngôi nhà tích cực”, “Vòng tuần hoàn của nước”…

Tự tin và thuyết trình lưu loát về dự án - mô hình “hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời”, cô học trò nhỏ Trần Phương Linh thổ lộ: “Chúng em rất thích làm dự án vì nó hấp dẫn và giúp hiểu sâu những kiến thức đã học”. Không thể lột tả được tình yêu khoa học và đam mê khám phá thế giới xung quanh của học sinh, bởi lẽ trên từng trang giấy học trò, những dòng chữ mộc mạc đều nhấn mạnh điều này.

Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là kết quả của chương trình dạy học theo dự án và đến cuối năm học, học trò sẽ đúc kết những điều đã học vào sản phẩm, mô hình tự chọn theo sở thích của từng đội, nhóm”. Dạy học theo dự án và gắn kết kiến thức, niềm đam mê của học trò vào những trải nghiệm nghiên cứu, khám phá tìm hiểu những hiện tượng khoa học, sự biến đổi của sự vật xung quanh không hề dễ. Nó đòi hỏi tâm huyết của ban giám hiệu, thầy cô và sự hỗ trợ tích cực của ban đại diện cha mẹ-những người có trình độ, tri thức luôn đồng hành với câu lạc bộ “Em yêu khoa học” suốt 4 năm qua.

Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn hẹp, thiếu phòng chức năng dành riêng cho câu lạc bộ này, nhà trường đã tận dụng sân trường, khoảng không gian trống để các nhà khoa học nhí có điều kiện khám phá kho tàng kiến thức, trải nghiệm và thực hành.

Để có nhiều học sinh đến với câu lạc bộ, trường phải chia đều các khối lớp theo hai học kỳ. Bình quân mỗi khối lớp có khoảng 80 em được tham gia và toàn trường có 400 em có cơ hội trải nghiệm, tỏa sáng năng khiếu.

Để thắp sáng từng ngọn lửa nhỏ, nuôi dưỡng từng đam mê nghiên cứu của các nhà khoa học “nhí”, không thể không nhắc đế công lao, sự tận tâm của các phụ huynh, trong đó người phụ trách câu lạc bộ “em yêu khoa học” là thầy Vũ Quang Tuyên, giảng viên môn vật lý Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Không chỉ kết nối những kiến thức đã học, thầy Tuyên còn dẫn dắt các em khám phá, tìm hiểu về môi trường sống, những hiện tượng ma sát, biến đổi của khí hậu, sự tuần hoàn của nước… Mỗi giờ được học, được trải nghiệm tại câu lạc bộ còn khiến học trò cười hả hê với những trò ảo thuật, thí nghiệm đầy thích thú.

Theo thầy Tuyên, phương pháp mới dạy học theo dự án là xu hướng tiên tiến và mang lại hiệu quả cao trong đào tạo, tích hợp kiến thức đã học. Không những thế còn tạo sự hứng khởi, ham thích học tập, khám phá tri thức của học sinh ngay từ khi đến trường. Như thế, TPHCM cần nhân rộng hơn nữa ngày hội em yêu khoa học để ươm mầm tài năng nghiên cứu khoa học từ bậc tiểu học.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục