Cách đây gần 2 tháng, khi làm việc với Quận ủy quận Thủ Đức (TPHCM), Bí Thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo sớm thông tin cho dân về quy hoạch ga Bình Triệu. Không riêng 15.000 dân trong khu quy hoạch, mà chính quyền địa phương cũng nóng lòng chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Hầu hết các con đường trong khu quy hoạch đều tự phát, quá nhỏ, vòng vèo, nhưng do quy hoạch treo nên không được nâng cấp, mở rộng
Quy hoạch treo 14 năm
Năm 2002, Kiến trúc sư trưởng TPHCM phê duyệt quy hoạch ga Bình Triệu mở rộng (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), với diện 41ha. 14 năm qua, các hộ dân sống ở khu phố 2, 6 và một phần khu phố 7 rơi vào cảnh bị quy hoạch treo. Nhà cửa của người dân bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Đường đi, hệ thống thoát nước không được quan tâm đầu tư. Hầu hết các con đường trong khu quy hoạch đều tự phát, quá nhỏ, vòng vèo. Cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quang Trung, tổ trưởng tổ 41 khu phố 6, cho biết: “Từ khi Bí thư Thành ủy làm việc với Quận ủy quận Thủ Đức, người dân ở đây nóng lòng chờ các cơ quan chức năng xem xét, xử lý dứt điểm việc quy hoạch treo ga Bình Triệu. Mọi người đã chịu đựng khổ sở quá lâu rồi. Nếu thực hiện mở rộng ga, cần giải tỏa đền bù, tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Còn không thì thông báo cho người dân rõ, chứ đừng vẽ vời cắm mốc chỉ nhằm mục đích giữ đất, kéo dài quy hoạch treo làm khổ dân”.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết: “Hơn một tháng nay, lúc tôi ngồi làm việc ở văn phòng hay xuống cơ sở, người dân gặp thì câu đầu tiên thay lời chào luôn là hỏi bao giờ mới xóa quy hoạch treo? Sự khó khăn mà người dân trong khu quy hoạch phải chịu đựng trong gần 15 năm qua rất nặng nề. Không chỉ người dân mà lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đã thường xuyên kiến nghị xem xét việc quy hoạch mở rộng ga còn phù hợp hay không. Chúng tôi mong muốn sớm có quyết định dứt điểm về việc đầu tư hoặc xóa bỏ quy hoạch, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân”.
Bỏ hay giữ quy hoạch?
Vấn đề bỏ hay giữ quy hoạch ga Bình Triệu mở rộng đã nhiều lần được đặt ra. Được biết, cuối năm 2007, nhằm chống kẹt xe khu vực trung tâm và xóa treo cho người dân, UBND TP đã kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc, di dời ga Bình Triệu và ga Sài Gòn ra ngoài trung tâm TP. Tuy nhiên, sau đó ngành giao thông không đồng ý, tiếp tục giữ quy hoạch và quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch tiếp tục bị treo cho đến hôm nay.
Trả lời về dự án ga Bình Triệu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, quy hoạch ga Bình Triệu bao gồm tuyến Hòa Hưng - Trảng Bom do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Khu quy hoạch ga bị treo lâu năm vì ngành đường sắt chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư. Ga Bình Triệu - Hòa Hưng là đoạn cuối của tuyến đường sắt khổ 1m, được xây dựng, khai thác hơn 100 năm, giờ đã quá cũ, lạc hậu. Để mở rộng ga, nâng cấp đường sắt, đòi hỏi kinh phí đầu tư nhiều. Chỉ riêng việc nâng cao đường sắt đoạn từ ga Bình Triệu đến Hòa Hưng, dài 8,8km, cần đến 23.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây lắp 8.100 tỷ đồng và đền bù, giải tỏa 15.000 tỷ đồng.
Để mở rộng ga Bình Triệu, ngoài việc đền bù để giải tỏa gần 47ha, tái định cư cho 3.000 hộ dân, còn đầu tư xây dựng ga mới, phải cần một nguồn kinh phí rất lớn. Cục Đường sắt đang bố trí kinh phí cắm mốc, sẽ hoàn thành cắm mốc trong năm 2016. Việc người dân bức xúc là bởi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng do dự án nhưng chưa biết TP giải quyết như thế nào? Ông Cường nói trước mắt kiến nghị làm trước đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu. Sở sẽ phối hợp Cục Đường sắt cắm mốc và giao cho quận Thủ Đức quản lý, tiến hành giải tỏa trước một phần để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.
Được biết, theo Quyết định 568/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, và Quyết định 1468/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong 4 năm tới sẽ hoàn thành nghiên cứu, phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi, khổ 1.435mm và tiến hành xây dựng trước đoạn TPHCM - Nha Trang. Nhà ga cho tuyến đường sắt mới đã được quy hoạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Việc xây dựng tuyến đường sắt mới là cấp bách, cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong giai đoạn mới. Như vậy, trong một thời gian gần, tuyến đường đôi điện khí hóa khổ 1.435mm sẽ được xây dựng.
Đối với hệ thống đường sắt, kinh phí duy tu, bảo dưỡng rất cao. Vì thế ngành đường sắt rất khó duy trì một lúc hai tuyến đường sắt 1.000mm và 1.435mm. Vấn đề đặt ra không chỉ cho ngành đường sắt, mà đối với những người làm công tác quản lý, quy hoạch, nên dồn sức, thúc đẩy sớm hơn việc xây dựng tuyến đường sắt mới mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, hay đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để nâng cao một đoạn ngắn tuyến đường sắt khổ 1m ở khu vực nội thành, giải tỏa mở rộng ga, rồi chẳng bao lâu sẽ phải dẹp bỏ. Từ đó, sớm có câu trả lời về việc nên xóa quy hoạch mở rộng ga Bình Triệu để trả lại quyền lợi chính đáng của hơn 15.000 dân hay tiếp tục treo để giữ đất.
TRẦN YÊN