Lời cảnh báo nghiêm khắc này được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng sản: Từ kinh nghiệm thực tiễn đến các giải pháp chính sách” được tổ chức ngày 13-5 tại Hà Nội.
Tại đây, ông Trịnh Lê Nguyên (Giám đốc PanNature) cho biết, với quy mô khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Cụ thể, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì - kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm. Đồng ý với quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Cảnh Nam (Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam) nói: “Tiềm năng tài nguyên khoáng sản của nước ta tính theo kiểu “đếm cua trong lỗ” thì còn khá, còn tính theo trữ lượng có thể khai thác được thì rất hạn chế so với nhu cầu khoáng sản của nền kinh tế”.
Trong khi đó, mặc dù Luật Thuế tài nguyên 2009 đã được ban hành thay thế cho Pháp lệnh Thuế tài nguyên, song đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản vẫn rất hạn chế. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9% - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2013. Đại diện Cục Thuế tỉnh Yên Bái cung cấp thông tin: Tỉnh thu được 100 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản năm 2015 và cho rằng nguồn thu này còn thấp, chưa tương xứng với quy mô khai thác, sự xuống cấp của hạ tầng, ảnh hưởng môi trường, nguồn tài nguyên không tái tạo đang bị cạn kiệt.
“Chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Hiện nay, thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. Ngoài ra, giá bán thuế tài nguyên chủ yếu do UBND tỉnh quy định và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Nhìn chung, việc kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế hiện còn rất yếu, trong khi sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên - môi trường chưa hiệu quả”, TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) nhận định. Đó là chưa kể việc khai thác và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, gây thất thu ngân sách.
Chính sách thuế tài nguyên hiện nay cũng không khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu - ông Hoàng Ngọc Thao (Công ty Apatit Việt Nam) phân tích. Thực tế hoạt động của Công ty Apatit Việt Nam cho thấy, Công ty gần như không có lãi khi khai thác quặng nghèo. Xu hướng “xơi nạc, bỏ xương” là khó tránh, gây lãng phí tài nguyên rất lớn. Việc áp dụng khung thuế suất có phạm vi dao động rất lớn giữa mức thấp nhất và cao nhất, lên tới từ 2 đến hơn 6 lần “bị sử dụng để điều chỉnh tăng thuế suất khá... thoải mái từ thấp đến cao theo thời gian, trong khi lẽ ra phải được vận dụng để điều chỉnh mức thuế suất phù hợp cho các mỏ khoáng sản có mức độ khai thác khó khăn, thuận lợi khác nhau”, TS Nguyễn Cảnh Nam bình luận.
Các ý kiến cũng chỉ ra rằng, nếu tạm tính tỷ lệ thất thu trong khai thác tài nguyên là 5% GDP (mức thấp nhất), hàng năm Việt Nam có thể mất tới 1 tỷ USD. Sớm chỉnh sửa Luật Thuế tài nguyên theo hướng đơn giản, rõ ràng và phù hợp là khuyến nghị mạnh mẽ được các chuyên gia nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp quản lý thuế tốt như tham gia hệ thống trao đổi thông tin thuế tự động giữa các quốc gia; áp dụng sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI)...
Đáng lưu ý, EITI đã được áp dụng ở 49 quốc gia (gồm nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Na Uy...). Nguyên tắc của EITI là doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cùng công khai các thông tin trên chuỗi giá trị công nghiệp khai thác; từ cấp phép, khai thác, quản trị doanh nghiệp nhà nước, nộp ngân sách cho đến quản lý ngân sách. EITI tạo cơ chế so sánh và đối chiếu thông tin hiệu quả giữa các doanh nghiệp và qua đó hỗ trợ quản lý thu. Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006, song sau tới 10 năm xem xét đến nay vẫn chưa tham gia sáng kiến này.
ANH THƯ