Mới đây, ngày 1-3-2016, việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép tại khu nhà 6C đường Tú Xương (phường 7, quận 3, TPHCM) đã được tiến hành suôn sẻ, thấu lý, đạt tình. Đây là một bài học về việc quan tâm phối hợp một cách có trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại.
Vận động tự giác tháo dỡ
Sau năm 1975, khu nhà 6C được tiếp quản, bố trí cho 8 hộ làm nhà ở. Đến năm 2002, các hộ này được mua nhà theo Nghị định 61/CP. Khu nhà 6C có diện tích mặt bằng 2.050m², nhưng phần diện tích các hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nhà ở chưa đến 500m²; phần sân chung có diện tích hơn 1.600m². Trong quá trình sử dụng, các hộ đã vi phạm về xây dựng không phép trên phần sân chung, nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời nên phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Công nhân tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép tại khu nhà ở 6C Tú Xương
Ngày 5-11-2012, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã trực tiếp tiếp xúc một số hộ tại khu biệt thự này để tìm hiểu vụ việc và chỉ đạo UBND TPHCM giao Thanh tra TPHCM tiến hành thanh tra. Ngày 9-7-2013, Thanh tra TPHCM có kết luận thanh tra vụ việc xây dựng không phép tại khu nhà 6C. Sau đó, UBND TPHCM ban hành văn bản xác định việc tranh chấp trong sử dụng diện tích sân chung và tranh chấp về việc chuyển quyền sử dụng đất tại khu nhà 6C là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định pháp luật. UBND TPHCM cũng đã có công văn chỉ đạo UBND quận 3 tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các phần diện tích vi phạm trật tự xây dựng.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình, từ năm 2013 - 2015, quận 3 đã tiến hành nhiều đoàn vận động, tiếp xúc để giải thích, đề nghị các hộ tự giác tháo dỡ phần diện tích xây dựng lấn chiếm sân chung. Tuy nhiên, các hộ liên quan vẫn chưa thực hiện theo các quyết định cưỡng chế. Cuối năm 2015, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với UBND TPHCM về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận 3 xem xét kỹ từng trường hợp cụ thể của mỗi hộ dân và tập trung vận động các hộ tự nguyện tháo dỡ, nếu không tự nguyện thì tiến hành cưỡng chế sau Tết Nguyên đán 2016.
Hóa giải các khó khăn, vướng mắc
Ông Nguyễn Hoàng Minh (92 tuổi, ngụ tại khu nhà 6C) đã sử dụng khu đất công trình phụ để làm nhà cho thuê. Ông Minh biện bạch: “Tôi đang bị bệnh tim rất nặng. Nhờ chi phí cho thuê phòng tôi có thể lo việc ổn định sức khỏe và cuộc sống. Nếu bị buộc cưỡng chế, tháo dỡ chắc tôi không sống nổi”. Nói là nói vậy, nhưng qua nhiều đợt vận động, thuyết phục của UBND phường 7 và UBND quận 3, gia đình ông Minh đã xin tự tháo dỡ một phần khu nhà cho thuê.
Vướng mắc lớn nhất là trong quá trình sử dụng nhà đất có một số hộ đã mua bán với nhau. Trong đó, có việc vợ chồng ông Trương Văn Thuyết và bà Vũ Thu Nguyệt mua nhà của bà Trần Thị Lúa từ năm 1994. Ông Thuyết kể: “Căn hộ rộng 49m², vợ chồng tôi mua 18 cây vàng. Bà Lúa làm giấy tờ rất rõ ràng và trong hợp đồng có ghi rõ bà Lúa sẽ thực hiện các thủ tục để chúng tôi được công nhận chủ quyền. 22 năm sinh sống tại đây, chúng tôi không hề bị tranh chấp, thưa kiện gì. Đến bây giờ, chúng tôi mới biết căn hộ mình đang ở được xây dựng trên phần đất chung. Nhận được giấy quyết định tháo dỡ căn nhà, vợ chồng tôi và các con rất buồn”. Để giải quyết nơi ở của vợ chồng ông Thuyết, cán bộ UBND quận 3 đã đưa vợ chồng ông đi xem một căn hộ ở khu tái định cư Hiệp Bình Chánh và một căn hộ ở đường Kỳ Đồng. Tuy nhiên, căn hộ tái định cư Hiệp Bình Chánh ở tận lầu 5 lại đang xuống cấp trầm trọng, còn căn hộ ở đường Kỳ Đồng mới chỉ là miếng đất, mà thời gian cưỡng chế lại cận kề. Tưởng rằng sẽ căng thẳng trong việc cưỡng chế, thế nhưng do sự kiên trì vận động của chính quyền địa phương, chiều ngày 29-2, ngay trước ngày tiến hành cưỡng chế tháo dỡ, vợ chồng ông Thuyết đã chấp thuận di dời về khu đất ở đường Kỳ Đồng.
Sáng ngày 1-3, quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng không phép tại khu nhà 6C được Chủ tịch UBND phường 7 Trần Hải Nguyên công bố. Nhiều cán bộ lãnh đạo quận 3, phường 7 và các đoàn thể, ban ngành có mặt từ rất sớm để kiên trì vận động. Ông Trần Hải Nguyên cho biết: “Với tinh thần tôn trọng và quan tâm đến an sinh xã hội, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để vận động. Chính nhờ công tác này, việc cưỡng chế, tháo dỡ đã không gặp khó khăn, hầu hết các hộ đã tự tiến hành tháo dỡ một phần và cam kết sẽ tự tháo dỡ hết, trả lại nguyên trạng trong vài ngày tới. Chúng tôi rất cảm kích với việc vợ chồng chú Thuyết nghiêm túc chấp hành việc quyết định tháo dỡ căn nhà xây dựng không phép mà vợ chồng chú đang sinh sống. Việc di dời tài sản, sửa sang căn hộ ở đường Kỳ Đồng sẽ được gấp rút thực hiện để hỗ trợ vợ chồng chú Thuyết trong khả năng cho phép”.
ĐOÀN HIỆP