Từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm là những nội dung chính trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Xu hướng chọn các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cho các công trình xây dựng ngày càng nhiều Ảnh: HUY ANH
Giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao ni lông siêu thị
Chương trình này chia ra 2 giai đoạn. Theo đó, mục tiêu của chương trình là từ nay đến năm 2020 sẽ phấn đấu để các DN trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, xây dựng và thực hiện lộ trình áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, đạt 60% - 70%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; hoạt động đổi mới sinh thái được triển khai thí điểm thành công trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từng bước mở rộng quy mô và phạm vi áp dụng; tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GDP 42% - 45%.
Một trong những mục tiêu khá quan trọng trong giai đoạn này được đặt ra đó là giảm thiểu việc phát sinh chất thải trong hoạt động phân phối. Thực tế cho thấy, hiện nay không ít các siêu thị, trung tâm thương mại… đã vận động, kêu gọi khách hàng hạn chế sử dụng túi ni lông nhằm bảo vệ môi trường vì phải mất đến 400 năm để phân hủy hoàn toàn một chiếc túi ni lông loại thường trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, tỷ lệ dùng túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đặc biệt là ở chợ vẫn còn sử dụng rất cao. Chính vì thế, trong giai đoạn này, chương trình đề ra việc phấn đấu khoảng 50% các DN trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn thực hiện và áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm khoảng 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến khoảng 50% tại các chợ dân sinh; khoảng 50% các DN trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn thực hiện và áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, giai đoạn này cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu 90% phế liệu nhựa, giấy, dầu thải và sắt thép trong nước được tái chế; 85% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 75% chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu hồi để tái sử dụng và tái chế và 50% chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế. Giai đoạn còn lại từ năm 2021 đến 2030, chương trình sẽ thực hiện triển khai đồng bộ các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; các mô hình, thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững được phổ biến và áp dụng rộng rãi tại cộng đồng và các DN. Cơ bản chuyển đổi được mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.
Ưu tiên kinh phí để thực hiện
Để thực hiện được những mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra đó là phải xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong đó, lồng ghép các nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương, các chương trình phát triển bền vững, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi việc tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Nhiệm vụ tiếp theo là thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Cụ thể như tiếp tục thực hiện sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường; đổi mới công nghệ và loại bỏ theo lộ trình các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động sản xuất bền vững. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu trên đó là xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
Cụ thể là giảm sử dụng các bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh; đẩy mạnh việc thay thế sử dụng các bao bì khó phân hủy bằng các loại bao bì thân thiện môi trường. Nghiên cứu, hỗ trợ triển khai thí điểm, tổ chức phổ biến, nhân rộng một số mô hình phân phối các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và thực hiện cấp chứng nhận mô hình phân phối xanh, thân thiện môi trường. Cùng với đó là thúc đẩy liên kết bền vững giữa nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trong việc sản xuất, phân phối và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
Một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng đó là thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững là không thể thiếu nhằm giúp người dân hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, carbon thấp, hài hòa, thân thiện môi trường. Ngoài ra, chương trình cũng đề ra nhiệm vụ thực hiện hoạt động mua sắm xanh, ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động về mua sắm công xanh; nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm và nhân rộng mô hình mua sắm công xanh.
Kinh phí để thực hiện chương trình được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, tài trợ, các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, cơ quan Nhà nước ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của chương trình.
LƯƠNG THIỆN