Trên thị trường thế giới, giá sữa đang tăng chóng mặt từ châu Á, châu Âu sang châu Mỹ. Giá mỗi tấn sữa bột đã tăng tới 80%, giá bơ công nghiệp tăng 50%. Nhìn Ủy ban châu Âu đau đầu tìm lời giải cho sự tăng giá từng ngày trong thời gian gần đây, ít ai hình dung được rằng cách đây khoảng 20 năm, niềm hy vọng lớn của châu Âu chỉ là làm sao “đẩy” được hàng núi bơ tồn đọng trong kho hàng.
Từ đầu tháng 8-2007, việc thay đổi các hợp đồng sản xuất và phân phối sữa kéo theo giá các sản phẩm sữa ở châu Âu tăng vọt. Theo Liên minh ngành công nghiệp sữa Đức (MVI), giá phô mai trắng đã tăng 40% và trung bình một lít sữa đã tăng khoảng 10 xu. Hiện Đức là nhà sản xuất sữa chính trong EU (27,3 tỷ lít trong năm ngoái trên tổng số 132 tỷ lít toàn EU).
Còn ở Pháp (nơi sản xuất được trung bình 23 tỷ lít sữa/năm), chính phủ bắt đầu lo lắng đến hậu quả của việc tăng giá sữa vì sợ nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành công nghiệp thực phẩm. Để kiềm chế giá sữa leo thang, đại diện của Liên minh châu Âu (EU) không loại trừ khả năng tăng quota châu Âu về sản xuất. Dự kiến, về lâu dài, chính phủ Pháp có thể tăng 0,5% quota cho các nhà sản xuất, đồng thời có thể cấp cho họ mức quota phụ từ 10% đến 15%. Các biện pháp cụ thể sẽ công bố cuối tháng 9.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảm thấy nghi ngờ tính hiệu quả của các biện pháp này. Theo họ, việc tăng quota sẽ chẳng thay đổi được điều gì lớn. Ví dụ như Pháp. Là nước sản xuất sữa lớn thứ 2 trong EU, Pháp hiện có khoảng 3,8 triệu con bò sữa và 100.000 nhà sản xuất. Vậy mà chưa thực hiện đủ mức quota mà Brussels quy định cho đến năm 2015.
Trong khi đó, châu Âu đã không đáp ứng nổi nhu cầu của thành viên. Tỷ lệ thu mua sữa trong chiến dịch 2006-2007 đạt thấp nhất kể từ 15 năm qua, chỉ còn 126 tỷ lít sữa, ước tính châu Âu phải có thêm 1 tỷ lít sữa nữa mới tạm cung ứng đủ. Đáng buồn là các hộ chăn nuôi bò sau khoảng thời gian giá sữa giảm 10% (năm 2003-2006) có xu hướng bỏ sang trồng ngũ cốc, sinh lợi nhanh và đỡ vất vả hơn. Còn ở Australia, một trong những nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, hạn hán đã buộc nước này cắt giảm khoảng 1 tỷ lít sữa trong năm 2007.
Hiện trong 620 tỷ lít sữa sản xuất mỗi năm trên thế giới, chỉ có 7% được xuất khẩu. Sự “khát sữa” của các nước mới nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga cũng góp phần làm mất cân bằng thị trường. Luc Morelon, phát ngôn viên hãng Lactalis, nhà sản xuất phô mai hàng đầu thế giới, nhận xét do đời sống tăng cao, giới trung lưu phát triển cũng làm thay đổi thói quen dinh dưỡng. Ở châu Á, Mỹ Latinh và Đông Âu, nhu cầu về sữa và các món ăn có thành phần phô mai tăng mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, thế giới đang lâm vào cảnh thiếu hụt sữa chưa từng có. Các đợt tiêu hủy hàng loạt đàn gia súc ở Anh để tránh đại dịch lở mồm long móng sẽ còn “hứa hẹn” nhiều đợt tăng giá hơn nữa. Trên phương diện toàn cầu, những nước nghèo sẽ là các nạn nhân thiệt thòi nhất của việc tăng giá sữa này.
(Theo Le Monde)
LÊ VÂN