Sách Trắng Quốc phòng của Bắc Kinh công bố vào ngày 26-5 đã gây ra phản ứng lo ngại từ nhiều nước, nhất là trong bối cảnh thế giới đang chăm chú theo dõi việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trái phép trên các đảo nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi pháp chiếm trọn biển Đông.
Giới quan sát quan ngại
Tờ Washington Times dẫn lời ông Patrick M.Cronin, người đứng đầu Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nói: “Trung Quốc đang theo đuổi bước đi bá quyền dần dần trên vùng biển Đông. Nếu được phép làm như vậy, nước này sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình ở khu vực Đông Nam Á”.
Ông Cronin không cho rằng Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc là lời tuyên chiến nhưng cho rằng Trung Quốc đang sử dụng quân đội để xác định vị thế của mình và để thống trị khu vực và xa hơn nữa. “Tài liệu này nhấn mạnh vai trò trung tâm của sức mạnh quân sự nhằm đạt được lợi ích quốc gia của Trung Quốc”, ông Cronin nói. Theo ông Cronin, cần phải nhận ra rằng khi Trung Quốc nói có thể có chiến tranh có nghĩa là họ muốn mọi người sợ hãi để nhường quyền cho họ theo đuổi mục đích của mình.
Truyền hình ABC của Australia dẫn lời ông Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Trung Quốc đã gửi một thông điệp rõ ràng đến Mỹ và Australia rằng Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc vượt xa các vấn đề lãnh thổ. Theo ông, đây là bước hướng tới “leo thang đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Báo The Hindustan Times của Ấn Độ số ra ngày 27-5 cho rằng mặc dù Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc không đề cập trực tiếp tới Ấn Độ, song nhấn mạnh Bắc Kinh phải tiếp tục “kiềm chế” trong các tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ.
Tờ Washington Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc là tài liệu quân sự quyết đoán nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh. Tài liệu này kêu gọi mở rộng vai trò quân sự của Trung Quốc trong những năm tới và đổ lỗi cho các nước láng giềng của Trung Quốc có “những hành động khiêu khích về chủ quyền” tại biển Đông. Sách Trắng này kêu gọi các lực lượng hải quân Trung Quốc “tăng cường bảo vệ các vùng biển xa” để đối phó “với khiêu khích như vậy” và nói rằng các lực lượng không quân Trung Quốc nên thay đổi quan điểm của mình “từ bảo vệ lãnh thổ sang cả phòng thủ lẫn tấn công”.
Bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng. Trung Quốc vừa khởi công xây dựng trái phép một trong 2 ngọn hải đăng tại đây.
Gia tăng căng thẳng ở biển Đông
Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết “những hoạt động của Trung Quốc khai hoang và mở rộng các đảo tại biển Đông góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Ông Rathke cho biết Washington “có lợi ích mạnh mẽ trong hòa bình và an ninh của khu vực”, đồng thời khẳng định rằng “mọi tuyên bố chủ quyền về biển phải phù hợp với Luật Biển”. Mặc dù không trực tiếp đề cập đến Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama “tiếp tục thúc giục Trung Quốc thể hiện một cách minh bạch hơn khả năng và ý định của nước này và sử dụng khả năng quân sự của mình theo cách có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Obama xem tình hình an ninh ở biển Đông là “cực kỳ quan trọng” đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cho biết Washington cam kết hợp tác với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác để bảo vệ đường giao thương trên biển. Sau khi Trung Quốc tổ chức lễ động thổ xây 2 ngọn hải đăng đa năng trên hai bãi đá ngầm Gạc Ma và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông mà nước này chiếm đóng trái phép, Mỹ đã bày tỏ quan ngại động thái này có thể khiến tình hình tại đây thêm căng thẳng.
Theo Kyodo, ngày 27-5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã chỉ trích “các hoạt động xây dựng” trên biển Đông, một tuyên bố nhằm ám chỉ các dự án bồi đắp của Trung Quốc tại những bãi đá ngầm, đồng thời cho rằng các hoạt động này sẽ chỉ làm phức tạp tình hình. Ông Tusk khẳng định lập trường của châu Âu là tất cả các bên xung đột phải kiềm chế việc đe dọa hay sử dụng vũ lực; đồng thời nhấn mạnh phải tìm ra giải pháp mang tính hòa bình.
THỤY VŨ (tổng hợp)
>> Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc hiếu chiến