Hội nghị COP22: Hành động vì lợi ích chung

Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) diễn ra từ ngày 7 đến ngày 18-11 tại thành phố Marrakech, Morocco được đánh giá là hội nghị của hành động sau khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực.
Hội nghị COP22: Hành động vì lợi ích chung

Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) diễn ra từ ngày 7 đến ngày 18-11 tại thành phố Marrakech, Morocco được đánh giá là hội nghị của hành động sau khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực.

Tìm kiếm sự đồng thuận

Tại buổi họp báo ngày 6-11 ở Marrakech, Chủ tịch COP22 Salaheddine Mezouar, cho biết COP22 đặt mục tiêu thiết lập các quy tắc để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH), có hiệu lực từ ngày 4-11 sau khi được 100 quốc gia, chiếm tới 68% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES) trên thế giới phê chuẩn. Con số này đã vượt mức quy định là có ít nhất 55 quốc gia chiếm 55% GES phê chuẩn hiệp định này.

Theo các chuyên gia, Hội nghị COP22 có nhiệm vụ rất khó khăn vì buộc phải tìm được sự đồng thuận về cách thức thực hiện Hiệp định Paris sau thất bại của Nghị định thư Kyoto năm 1997 và COP15 tại Copenhague, Đan Mạch năm 2009. COP22 quan trọng bởi nó cho phép xác định các hành động cụ thể của các quốc gia tham gia chống lại sự nóng lên của Trái đất cũng như sự giúp đỡ dành cho các nước đang phát triển và các quốc đảo.

Lũ lụt ở Paris năm 2016, do biến đổi khí hậu gây ra

Hội nghị ở Marrakech cũng sẽ cho phép tìm kiếm sự đồng thuận về cách thức mà các nước giàu sẽ giúp đỡ các nước đang phát triển trong nỗ lực chuyển sang nền kinh tế carbon thấp. Hội nghị cũng là dịp để mở ra đối thoại giữa các quan sát viên chính thức và các tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy tiến trình giảm khí thải nhà kính và khởi động công cuộc phòng chống biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra các mối quan hệ đối tác mới và các phương thức phát triển mới liên quan đến bảo vệ môi trường trong nhiều lĩnh vực, nhất là ngành vận tải, cư trú, nông nghiệp, nước, đại dương, y tế và giáo dục.

Thiết lập quy tắc chung

Ban Thư ký Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (UNFCCC) cho biết, COP22 cũng là dịp để đưa ra các tiêu chuẩn buộc các nước phải nỗ lực chống lại sự BĐKH cũng như xác định cách thức để đảm bảo các nước thực hiện cam kết về giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2°C. Các cuộc đàm phán cũng nhằm thúc đẩy quốc gia tích cực ứng phó với BĐKH thông qua việc tăng mức cam kết giảm phát thải, tăng cường dòng tài chính toàn cầu, nâng cao năng lực cho các quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh đó là các vấn đề tổn thất và thiệt hại, các hoạt động ứng phó với BĐKH trước và sau năm 2020… Từ đây, mỗi quốc gia sẽ kịp thời nắm bắt xu thế định hình chính sách BĐKH toàn cầu để có bước đi phù hợp, chuyển hóa kịp thời thành cơ hội phát triển cho riêng mình.

Bà Patricia Espenosa, người chịu trách nhiệm về Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH, chỉ rõ, COP22 là cơ hội để các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do BĐKH trình bày các kế hoạch riêng của mình về công tác phòng chống BĐKH. Ông Aziz Mekouar, thành viên Ban chỉ đạo COP22, nêu rõ tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu buộc thế giới phải nhanh chóng hành động.

Nội dung hành động sẽ tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác định các tiêu chuẩn, thủ tục và phương pháp thực thi Hiệp định Paris về BĐKH. Các vấn đề về xây dựng năng lực, tài chính và chuyển giao công nghệ cũng như các phương pháp triển khai cần phải được đưa vào tầm nhìn để tăng cường khả năng hành động.

 Đoàn đàm phán của Việt Nam tham dự COP 22 sẽ thảo luận về cơ chế thị trường, cơ chế hợp tác, chuyển giao công nghệ, xây dựng khuôn khổ minh bạch trong hỗ trợ và hành động, cơ chế tổn thất và thiệt hại… Đây là những căn cứ quan trọng để hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường áp dụng các công cụ tài chính, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, thúc đẩy hợp tác giảm nhẹ phát thải, tăng hiệu quả đầu tư xanh.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục