Thời điểm quyết định

Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi đã phê duyệt kế hoạch tấn công trên bộ nhằm vào TP Rafah ở miền Nam Gaza, trong khi các nhà hòa giải quốc tế vẫn đang ráo riết tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát sau vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza. Ảnh: THX
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát sau vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza. Ảnh: THX

Cùng tìm kiếm thỏa thuận

Tờ The Jerusalem Post đưa tin, kế hoạch tấn công trên bộ ở Rafah đã được phê duyệt trong cuộc gặp giữa ông Halevi với Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Nam Yaron Finkelman và các chỉ huy sư đoàn, lữ đoàn khác của Israel.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nhà hòa giải quốc tế đang nỗ lực giúp Israel và Hamas đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Ngày 26-4, một phái đoàn Ai Cập đã đến Israel để thảo luận về một đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin giữa nước này với lực lượng Hamas. Cùng lúc này, CNN dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Tel Aviv đã đồng ý lắng nghe ý kiến của Washington trước khi mở chiến dịch trên bộ nhằm vào Rafah. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết trong chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài ít nhất 6 ngày tại Dải Gaza. Ông Blinken ngày 29-4 đã đến Saudi Arabia và dự kiến tới Israel trong tuần này. Ông John Kirby cũng tiết lộ Israel đã bắt đầu đáp ứng các cam kết mà nước này đưa ra với Tổng thống Mỹ Joe Biden và số lượng xe tải viện trợ vào phía Bắc Dải Gaza đang tăng lên.

Về phần mình, ông Sami Abu Zuhri, một quan chức cấp cao của Phong trào Hồi giáo Hamas, tuyên bố lực lượng này sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào với Israel mà không bao gồm việc ngừng chiến dịch quân sự ở Dải Gaza. Trao đổi với báo giới, ông Sami Abu Zuhri nói thêm rằng Hamas đang nghiên cứu phản hồi chính thức của Israel về đề xuất ngừng bắn mới nhất trong các cuộc đàm phán do Ai Cập và Qatar làm trung gian, song nhấn mạnh còn quá sớm để đưa ra quyết định liên quan. Trước đó cùng ngày, đài phát thanh công cộng Israel đưa tin một quan chức cấp cao của nước này đã mô tả hiện là “thời điểm quyết định trong nỗ lực đạt được thỏa thuận trao đổi con tin mới với Hamas”. Theo quan chức này, Israel đang chờ phản hồi của lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar.

Tăng cường viện trợ

Ngày 29-4, phát biểu trên Đài truyền hình ABC News, ông John Kirby cho biết sẽ cần 2-3 tuần để cầu tàu do Mỹ triển khai đi vào hoạt động nhằm tăng cường viện trợ cho Gaza. Ông John Kirby nhấn mạnh mặc dù cầu tàu này sẽ giúp vận chuyển thêm thực phẩm và nhu yếu phẩm khác vào Gaza nhưng vẫn không thể thay thế được các tuyến đường bộ.

Sau vụ tấn công nhầm của Israel vào đoàn xe chở nhân viên cứu trợ nước ngoài của tổ chức World Central Kitchen (WCK) tại Gaza khiến nhiều người thiệt mạng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Israel cho phép viện trợ nhiều hơn và tránh gây thương vong cho dân thường Palestine. Theo người phát ngôn John Kirby, Israel hiện cho phép nhiều xe tải đi vào hơn, kể cả khu vực phía Bắc Gaza. Cùng ngày, WCK thông báo nối lại công tác cứu trợ ở Dải Gaza sau gần một tháng tạm dừng. Cho đến nay, WCK đã phân phối hơn 43 triệu bữa ăn cho người dân trong khu vực. Tổ chức này đang xây thêm một bếp ăn công suất cao thứ ba ở thị trấn Al-Mawasi, phía Nam Gaza cùng với hai bếp ăn khác ở Rafah và Deir al-Balah.

Tại phiên khai mạc cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ngày 29-4 tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước, coi đây là con đường duy nhất chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.

Phát biểu tại cuộc họp, Hoàng tử Faisal bin Farhan, Ngoại trưởng Saudi Arabia, nêu rõ chỉ có cam kết thực sự đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine - Israel mới có thể ngăn chặn tái diễn xung đột ở Gaza. Ngoại trưởng Saudi Arabia cho rằng việc hỗ trợ thực hiện giải pháp này phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế, nhất là những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Faisal cho biết Saudi Arabia sẽ làm mọi thứ có thể để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, đồng thời bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ làm điều đúng đắn và biến khái niệm này thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục