Thêm áp lực lên công nghệ của Trung Quốc

Sau Mỹ, Canada, Ba Lan, Anh, Australia… giờ đến lượt Pháp chuẩn bị sửa đổi luật tăng cường bảo vệ công nghệ an ninh, quốc phòng, được cho là nhằm ngăn cản khả năng bị theo dõi từ các công nghệ của Trung Quốc, chẳng hạn như từ thiết bị của tập đoàn Huawei.

Chiến tranh lạnh kiểu mới

Mối quan hệ khoa học và công nghệ giữa một bên là Mỹ đứng đầu với bên kia là Trung Quốc đang được định hình lại. Trong năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài”, mở rộng vai trò của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ về khả năng điều tra đầu tư nước ngoài vào các công nghệ quan trọng và Bộ Thương mại dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu mới về công nghệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả các thiết bị của Huawei.

Có thể thấy Huawei, nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc, là trung tâm của cuộc chiến tranh lạnh mới này. Mặc dù các quan chức Mỹ chưa bao giờ công khai cung cấp bằng chứng cho thấy thiết bị Huawei có hoạt động tình báo, song họ vẫn cảnh báo rằng việc cho phép tập đoàn này tham gia vào việc xây dựng mạng 5G làm tăng rủi ro bảo mật không thể kiểm soát được và làm gia tăng áp lực lên các tập đoàn khác trong và ngoài nước>
 
Washington đã gây áp lực với các đồng minh để không sử dụng Huawei. Vào tháng 8-2018, Australia đã cấm Huawei cung cấp thiết bị để phát triển cơ sở hạ tầng không dây 5G của nước này. Tháng 11-2018, New Zealand đã từ chối đề xuất của công ty viễn thông trong nước về việc sử dụng thiết bị Huawei trong việc nâng cấp mạng 5G. Tháng 12-2018, một tập đoàn viễn thông lớn của Anh tuyên bố sẽ loại bỏ thiết bị Huawei sau khi các quan chức tình báo Anh chỉ ra những thiếu sót về bảo mật trong phần mềm Huawei. Canada, Cộng hòa Czech, Đức, Ấn Độ, Ba Lan, Nhật Bản và Pháp đang xem xét việc cấm hoặc hạn chế Huawei. 

Bước đi của Huawei

Giám đốc điều hành và là người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi trong buổi trả lời phỏng vấn kéo dài 25 phút trên truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) ngày 20-1 đã bác bỏ việc toàn cầu đang chống lại tập đoàn, đồng thời phủ nhận bất kỳ mối quan hệ nào giữa Huawei với nhà nước. Theo ông Nhậm, sẽ là thiếu khôn ngoan nếu ai đó không mua hàng tốt và đó là thiệt thòi của họ, ý nói đến Mỹ và các nước phương Tây khác đã hạn chế Huawei trong thị trường các nước.

Chủ tịch tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn trên CCTV 
 Trước đó, ông Nhậm đã có gần 10 cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, nhiều nhất kể từ khi thành lập Huawei vào năm 1987. Lần cuối cùng ông này gặp truyền thông quốc tế là tại Davos vào năm 2015. Mục đích lần này, theo ông Nhậm, là phải làm cho khách hàng hiểu Huawei, giúp 180.000 nhân viên của Huawei đoàn kết và vượt qua thời điểm khó khăn này. Huawei đã mở rộng đội ngũ truyền thông quốc tế của mình thêm 25%, lên đến 30 người trong 6 tháng qua để tăng cường sự thông tin với truyền thông nước ngoài, bao gồm nhiều chuyến tham quan đến các phòng thí nghiệm nghiên cứu mà trước đây không mở cửa cho người ngoài. Trong số những thay đổi lớn về nhân sự, giám đốc bộ phận truyền thông của Huawei, Joy Tan, từ Bắc Kinh đã chuyển đến Washington để điều hành các hoạt động quan hệ truyền thông và chính phủ ở đó.
Mỹ đã thông báo với Chính phủ Canada rằng Washington đang lên kế hoạch để xúc tiến việc đưa ra một đề nghị chính thức nhằm dẫn độ Giám đốc Tài chính tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu (con gái ông Nhậm Chính Phi) với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Hiện giới chức Mỹ đang mở rộng một cuộc điều tra hình sự nhằm vào Huawei của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22-1 kêu gọi Mỹ “sửa sai ngay lập tức”, đồng thời khẳng định nếu Mỹ thực sự tiến hành việc dẫn độ, Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa.

Tin cùng chuyên mục