Với một số thay đổi trong dự thảo về Quy chế thi THPT quốc gia 2017 (lần 2), thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn dự thi cả hai bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH), được lấy điểm bài thi cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, đa phần thí sinh đều cân nhắc, không dám “liều” thử sức.
Lựa sức, không nên ôm đồm
Theo một số hiệu trưởng trường THPT của TPHCM, dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2017 tăng thêm cơ hội - quyền cho thí sinh là tốt, nhưng đến giờ này chuẩn bị kết thúc học kỳ 1, rất ít học sinh lớp 12 dám ôm đồm, chọn cả 2 bài thi trong kỳ thi với 9 môn. Cụ thể là thí sinh phải làm 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp KHTN và KHXH với 6 môn thi.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết: “Ngay từ đầu năm học, học sinh lớp 12 của trường đã xác định rõ năng lực, sở trường và chọn lựa khối thi, bài thi tổ hợp theo nguyện vọng nên số thay đổi chọn thi cả 9 môn rất hiếm”. Cũng theo tư vấn của thầy Phú, tuy có thêm cơ hội để lựa chọn, nhưng học sinh không nên ôm đồm. Các em nên xác định chọn tổ hợp môn nào thuộc bài thi KHXH hay KHTN là thế mạnh của mình thì tập trung ôn tập để đạt kết quả cao nhất. Việc thay đổi nguyện vọng ban đầu và chọn thêm bài thi nữa sẽ tạo áp lực, mất tập trung và kết quả sẽ không như mong muốn.
Cùng chung nhận định, thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, cho rằng chỉ có thí sinh nào có năng lực thực sự và tự tin mới dám thử sức làm cả 2 bài thi KHTN và KHXH. Thực tế cho thấy, dù thi theo kiểu nào thì điều quan trọng là thí sinh phải nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài để đạt kết quả tốt nhất. Việc học lệch, học tủ sẽ không còn phù hợp với chủ trương đổi mới thi cử theo hướng đánh giá sát năng lực, tư duy và sự sáng tạo của thí sinh.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Định đang trao đổi với cô giáo dạy Văn
Ở khối giáo dục thường xuyên (GDTX), đa phần học sinh lớp 12 chỉ chọn xét tốt nghiệp THPT nên ít quan tâm đến quyền được mở rộng của mình.
Thầy Phú Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm GDTX quận 7, cho biết: “Mọi thay đổi đối với học sinh hệ GDTX đều khó khăn để thích ứng. Hơn nữa, quy định mới ra quá trễ và học sinh của trường đã được định hướng học theo nhóm, theo bài thi bắt buộc và tự chọn. Mục tiêu của trung tâm là định hướng ôn tập, củng cố kiến thức có hệ thống cho học sinh để các em đậu tốt nghiệp”.
Còn theo cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, nội dung dự thảo quy chế thi THPT quốc gia lần này đã thông tin rõ ràng hơn và giáo viên, học sinh không còn lo lắng về sự tách bạch môn thi cũng như lựa chọn bài thi của 2 khối KHTN và KHXH nữa. Cũng có ý kiến cho rằng, dù quyền lợi được tăng thêm nhưng thí sinh nào chủ quan, đăng ký cùng lúc 2 bài thi tổ hợp là do nhà trường tư vấn, định hướng chưa kỹ.
Xếp lịch thi chưa khoa học
Điều khiến nhiều hiệu trưởng THPT băn khoăn, lo lắng là “tuy tách bạch từng môn thi và lấy điểm riêng, nhưng việc xếp lịch thi theo khối thi đại học (ĐH), tưởng là giảm tải, thật ra vẫn tạo căng thẳng cho thí sinh”. Trước đây, mỗi môn thi trắc nghiệm có thời gian làm bài 90 phút, còn bây giờ theo quy chế mới, giảm xuống chỉ còn 50 phút/môn. Việc sắp xếp lịch thi theo tổ hợp môn gồm 3 môn Lý, Hóa, Sinh hoặc Sử, Địa, Giáo dục công dân vào một buổi thi là chưa hợp lý và khoa học. Với thời gian ngắn, phải chịu áp lực làm bài thi của 3 môn cùng một lúc, thí sinh sẽ khó tránh khỏi tâm trạng căng thẳng.
Thực tế đã chứng minh bước vào cuộc thi vượt vũ môn quan trọng như thế này, yếu tố tinh thần rất quan trọng. Nếu tâm lý căng thẳng, tinh thần mệt mỏi thì thí sinh không còn sáng suốt, làm bài không tốt và dễ tuột mất cơ hội trúng tuyển ĐH, dù có năng lực, kiến thức vững. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT nên xem xét điều chỉnh lịch thi sao cho hợp lý và khoa học hơn để giảm áp lực, tạo cơ hội cho thí sinh làm bài tốt hơn. Nên sắp xếp bài thi với 2 môn trong một buổi hoặc 1 môn/buổi là tốt nhất.
Theo nhận định của các trường, năm nay do khâu chuẩn bị kỹ, được tập huấn sâu về cách dạy, cách thi, nên cả thầy lẫn trò bớt bị động, tinh thần ổn định. Thầy Nguyễn Xuân Thảo cho biết thêm: “Kết quả kiểm tra giữa học kỳ 1 của học sinh khối lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến đối với 9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm khả quan, điểm số có nhích lên. Việc kiểm tra, thi trắc nghiệm và có máy chấm điểm cũng giảm bớt áp lực chấm bài cho giáo viên”.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Cúc cũng cho rằng học sinh khối lớp 12 của Trường THPT Gia Định cũng chuẩn bị tinh thần bước vào kỳ thi khá vững vàng. Ngoài thi học kỳ 1 theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Văn), nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi thử giống như thật để học sinh trải nghiệm cách làm bài, tính toán thời gian hoàn thành bài làm theo quy định.
KHÁNH HÀ