Ở các nước tiên tiến, người dân đi lại chủ yếu bằng phương tiện công cộng. Từ già đến trẻ, không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp đều cùng đi. Còn ở Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng thì đi xe buýt chủ yếu là học sinh sinh viên, lao động nghèo, công nhân, người già, trẻ em… Với những hạn chế chủ quan và khách quan, phương tiện xe buýt vô hình trung đã bị hạn chế tầm hoạt động và không đạt được mục đích vốn có của nó.
Xin đề xuất một số giải pháp thu hút người dân tham gia đi lại bằng xe buýt:
- Đầu tư nâng cấp chất lượng xe buýt. Muốn thu hút người dân tham gia sử dụng xe buýt, trước tiên phải đầu tư chất lượng xe buýt sao cho hiện đại đạt tiêu chuẩn khí thải từ Euro III trở lên, ghế ngồi mềm, sạch sẽ, màu sơn đẹp, hệ thống máy lạnh tốt…
- Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dịch vụ xe buýt. Hiện nay, đầu tư cho dịch vụ xe buýt có tiềm năng rất lớn, thị trường còn lớn. Đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt không những nâng cao được chất lượng xe buýt mà còn cả chất lượng phục vụ.
- Phân bố tuyến hợp lý, đặc biệt là các đường nhánh, đường xương cá đến các khu dân cư, mở thêm các tuyến mới ở ngoại thành.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên phục vụ. Ngành dịch vụ cần có những quy định và chế tài cụ thể đối với người phục vụ để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thân thiện, lịch sự, vui vẻ khi được giúp đỡ hành khách. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên phục vụ.
- Thông tin tuyên truyền, để thay đổi dần nhận thức của người dân, sao cho người dân cảm nhận được tham gia đi phương tiện xe buýt là có lợi cho bản thân gia đình và cộng đồng xã hội.
- Vận động người dân đi lại bằng xe buýt, đặc biệt chú ý khuyến khích nhóm tuổi 18 - 50. Theo số liệu điều tra của PGS-TS Trần Hữu Quang, tổng chiều dài di chuyển hàng tuần của những độ tuổi có sự khác nhau. Lớp tuổi 18-30 đi lại nhiều nhất (91km/tuần), lớp tuổi 31-50 đi lại khoảng 70km, còn sau đó càng lớn tuổi thì đi lại ít hơn (chỉ còn 27km/tuần với những người trên 60 tuổi). Điều đáng chú ý là mức độ di chuyển gia tăng theo trình độ học vấn: bình quân một người có học vấn cấp 1 chỉ đi tổng cộng 38km/tuần; trong khi đó với người có trình độ cấp 3 là 70km; đại học, cao đẳng 102km. Trong tổng chiều dài di chuyển mỗi tuần, số kilômét di chuyển cho mục đích đi làm hoặc đi học chiếm tỷ lệ cao nhất (66%, tức 2/3), đi chợ và đi mua đồ chiếm 14%, đi chơi, giải trí chiếm 20%.
- Vận động những đối tượng nghề nghiệp có địa điểm làm việc tương đối ổn định như lao động trí óc (giáo viên, kỹ sư, bác sĩ…), cán bộ quản lý, chuyên viên, nhân viên và công nhân đi làm bằng xe buýt.
- Đảm bảo an toàn và an ninh cho hành khách. Có những quy định cụ thể rõ ràng của ngành dịch vụ vận tải xe buýt để đảm bảo an ninh và an toàn cho hành khách. Đồng thời, đầu tư, quản lý cũng như kiểm tra các bến, nhà chờ xe buýt phục vụ hành khách.
- Tiến tới việc sử dụng thẻ cho người tham gia xe buýt.
- Nâng cấp, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông.
Có như thế mới hy vọng đạt được mục tiêu dự kiến của Sở Giao thông Vận tải TPHCM đến năm 2015 vận chuyển bằng xe buýt đạt 21,6 triệu hành khách/ngày và đáp ứng khoảng 19,3% nhu cầu đi lại của hành khách; mục tiêu đến năm 2025 sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu đi lại của hành khách.
ThS Lê Thị Mỹ Hà
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM