Thêm một góc nhìn về độc quyền bài hát

Thêm một góc nhìn về độc quyền bài hát

Mấy năm gần đây, nhiều bài hát được tác giả hay người được ủy quyền bán cho các hãng sản xuất băng đĩa, cho các chương trình, công ty âm nhạc trong thời gian nhất định hoặc không xác định thời gian.

Không hiếm thấy trên bao bì các đĩa CD, VCD, DVD thường in dòng chữ “ca khúc độc quyền” như một lời khẳng định không ai được sử dụng bài hát đó dưới bất kỳ hình thức nào.

Thêm một góc nhìn về độc quyền bài hát ảnh 1
Minh họa: K .T

Vụ thưa kiện hiện nay giữa ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Công ty Nhạc Xanh về ca khúc “Nửa vầng trăng” của nhạc sĩ Nhật Trung, đã cho thấy tính phức tạp của vấn đề.

Mỗi bên đều đưa ra những chứng lý tin rằng mình đúng, còn cơ quan chức năng và tác giả chưa có tiếng nói chính thức.

Nhìn dưới góc độ xã hội, những tác phẩm hay, nếu không được phổ biến rộng rãi thì quần chúng là người thiệt thòi trước tiên. Kế đến chính tác giả, người sáng tạo ra tác phẩm cũng bị thiệt hại vì tên tuổi, danh tiếng ít được vang xa nên hạn chế sự ngưỡng mộ của quảng đại quần chúng.

Tuy nhiên không phải ai cũng thích độc quyền. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi được hỏi tại sao ông để tình trạng nhạc bị đem ra hát khắp nơi, vi phạm rõ ràng mà không đòi tiền tác quyền, ông trả lời rất dễ thương: “Nhạc mình được hát nhiều là vui rồi”.

Còn nhạc sĩ TNXP Lê Văn Lộc cũng bộc bạch: “Nhạc mình hướng về phục vụ cộng đồng nên không nghĩ tới chuyện mua bán bản quyền”. Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, Trưởng ban kiểm tra Hội Âm nhạc TPHCM cho rằng nếu tác giả đòi tiền bản quyền cao, không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh xã hội sẽ dễ bị công chúng tẩy chay. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần công khai và minh bạch tất cả các mối quan hệ trong quá trình khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Sắp tới, có nhiều live show của các ngôi sao ca nhạc, và họ cũng phải cân nhắc hết sức thận trọng đối với những bài hát hay nhưng đang ở dạng độc quyền của một số hãng băng đĩa. Còn các tour diễn phục vụ miễn phí sinh viên các trường đại học cũng gặp khó khăn khi chạm đến những “ca khúc độc quyền”.

Điều này có thể giải quyết ổn thỏa khi cả hai bên sáng tác và biểu diễn, đều có thiện chí và cùng chung một mục đích: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Chúng ta kiên định chấp hành và thực thi nghiêm chỉnh quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền âm nhạc đúng luật, nhất là trong thời đại hội nhập và phát triển. Nhưng, xét trên bình diện tuyên truyền cổ động những nhiệm vụ chính trị hoặc cổ vũ cái đẹp của cuộc sống, của văn hóa Việt Nam, ca ngợi quê hương đất nước mà quá nặng về chuyện mua bán bản quyền, e chưa hợp lý.

Nên chăng, ngành văn hóa thông tin thay mặt nhà nước hàng năm đặt hàng cho những nhạc sĩ tài năng, tâm huyết sáng tác nhạc cổ động, nhạc phong trào gắn liền với thực tiễn cuộc sống, có giai điệu hay và dễ hát. Như vậy, nhà nước đã mua hẳn bản quyền tác giả. Mọi cá nhân, tổ chức ở mọi lúc mọi nơi đều được khuyến khích phổ biến, biểu diễn, sinh hoạt loại nhạc này.

Định kỳ hàng năm, hoặc 2- 3 năm, Sở VHTT, Hội Âm nhạc, Thành đoàn nên đề xuất tặng thưởng xứng đáng cho những bài hát cổ động các phong trào xã hội và mang lại hiệu quả thiết thực, như cổ vũ chiến dịch mùa hè xanh, thanh niên tình nguyện, nếp sống văn minh đô thị, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước... 

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục