Nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái và các hoạt động khác trên sông, ven bờ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước…, hiện các bộ, ngành trung ương đang dự thảo các nghị định, thông tư liên quan đến giám sát tài nguyên nước; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; phí bảo vệ môi trường khi khai thác khoáng sản.
Giám sát các công trình xả thải
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về giám sát tài nguyên nước nhằm áp dụng cho các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở trung ương, địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Theo đó, các trường hợp được giám sát là: Công trình hồ chứa thủy điện hoặc hồ chứa thủy lợi kết hợp thủy điện; Công trình hồ chứa khác có dung tích toàn bộ từ 200.000m³ trở lên; Công trình khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng từ 1m³/giây trở lên cấp cho nông nghiệp, thủy sản và từ 10.000m³/ngày đêm trở lên cho mục đích khác; Công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất với lưu lượng khai thác từ 200m³/ngày đêm trở lên; Công trình xả nước thải có chứa chất thải nguy hại; Công trình xả nước thải vào nguồn nước khác với lưu lượng từ 50m³/ngày đêm trở lên; Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước khác với quy định trên mà gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên nước. Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước là một hệ thống thống nhất, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu, phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu ở trung ương và cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát. UBND các tỉnh, TP đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu ở địa phương.
Dự thảo nêu rõ, thông tin dữ liệu từ hệ thống giám sát được sử dụng làm cơ sở phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc tuân thủ quy định của giấy phép và các quy định khác của pháp luật về tài nguyên nước và được công bố công khai.
Cấm khai thác cát sỏi tại khu vực sạt lở
Đó là một trong những nội dung đáng lưu ý tại dự thảo thông tư quy định việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan. Dự thảo quy định rõ việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông.
Cụ thể, khoanh định đối với khu vực cấm khai thác gồm: Khu vực đang bị sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, an toàn của bờ sông; đe dọa hoặc làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hại trực tiếp đến hành lang bảo vệ các công trình giao thông, đê điều, thủy lợi, hệ thống cấp nước, thoát nước, trạm quan trắc và các công trình hạ tầng quan trọng khác; khu vực đang bị sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến khu đô thị, khu dân cư tập trung, các công trình dân sinh; khu vực có điều kiện địa hình địa chất không ổn định; các khu vực khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định. Khu vực tạm thời cấm khai thác gồm: khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ sạt lở nhưng chưa xác định được nguyên nhân; khu vực có yêu cầu về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; khi xuất hiện hiện tượng sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở lòng, bờ bãi sông, các hoạt động khai thác cát sỏi bị tạm thời cấm đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường xác định rõ nguyên nhân gây sạt lở, báo cáo UBND cấp tỉnh để quyết định thời hạn tạm thời cấm. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, xác định các khu vực cần cấm hoặc tạm thời cấm khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trên sông.
Đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, yêu cầu chung đối với việc bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy và phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông không làm tăng, giảm đột ngột vận tốc dòng chảy, chênh lệch mực nước quá lớn trước và sau công trình gây ngập úng bãi, đất ven sông; làm giảm khả năng thoát lũ, sạt lở lòng, bờ, bãi sông; không gây bồi lắng, xói lở lòng sông quá mức, ảnh hưởng đến dòng chảy cạn thường xuyên trong năm; đổi hướng dòng chảy chủ lưu gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước, chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái và các hoạt động khác trên sông, ven bờ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước.
Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Trong đó, quy định cụ thể đối tượng chịu phí, đối tượng áp dụng cũng như danh mục, mức phí, phương pháp tính và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo dự thảo, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí.
Khai thác khoáng sản phải đóng phí bảo vệ môi trường. Ảnh: PHƯƠNG HÀ
Về mức phí, Bộ Tài chính đề xuất mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than là 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) là 35 đồng/m³. Khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản khác theo biểu khung mức phí ban hành kèm theo nghị định này. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại biểu mức thu ban hành kèm theo nghị định. Căn cứ mức phí quy định tại biểu khung mức phí ban hành kèm theo nghị định, HDND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng sẽ quy định rõ về quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước. Riêng phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước.
HÀ PHƯƠNG