Tuy nhiên, không cần phải đến năm 2100 người dân mới bị ảnh hưởng, mà hiện nay, tình trạng sụt lún ở TPHCM cũng đã và đang ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân thành phố. Tình trạng sụt lún ở TPHCM cũng liên quan đến vấn đề ngập úng đô thị thời gian qua.
Mỗi năm sụt lún 6,78cm
Ngoài kết quả quan trắc, tính toán của Bộ TN-MT, những năm qua, các tổ chức quốc tế và trong nước cũng đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng sụt lún ở ĐBSCL và Đông Nam bộ. Kết quả có sự chênh lệch, song đều cho thấy xu hướng sụt lún đang diễn ra phức tạp ở vùng này.
Vùng lún trên 10cm có diện tích khoảng 3.400km2, phân bố trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang. Tuy nhiên, vùng có mức độ lún cao nhất lại ở TPHCM. Kết quả đo đạc cho thấy, phường An Lạc, quận Bình Tân (TPHCM) trong 12 năm lún tới 81,4cm. Đây cũng là nơi có tốc độ lún lớn nhất, lên tới 6,78cm/năm.
Mới đầu năm 2019, 38 hộ dân sống tại chung cư 518 Võ Văn Kiệt (quận 1) bàng hoàng khi lô E của chung cư này bị nghiêng 45cm và có thể thấy rõ bằng mắt thường. Theo người dân ở đây, tình trạng lún sụt cốt nền ở chung cư 518 Võ Văn Kiệt đã xuất hiện hơn 1 năm về trước. Mới nhất là vụ sập cầu tàu trong khu vực cảng Ba Son (quận Bình Thạnh), nguyên nhân cũng được cho là do tình trạng sụt lún gây ra.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, tình trạng sụt lún đất trong vùng do các nguyên nhân về tự nhiên như đặc điểm vùng với trầm tích trẻ, đang trong quá trình cố kết, nén chặt của các lớp trầm tích, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình.
Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan do các hoạt động của con người gây ra, như khai thác nước dưới đất quá mức, xây dựng đô thị, các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, quá trình tác động xung lực của các hoạt động giao thông. Ngoài ra, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo cũng là một trong những nguyên nhân khiến lún sụt và ngập nước đe dọa lên hạ tầng đô thị.
Siết chặt việc khai thác nước ngầm
Trước tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng, một trong những giải pháp cần quyết liệt thực hiện là hạn chế khai thác nước ngầm. PGS-TS Lê Văn Trung, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, khuyến nghị việc xây dựng của thành phố đừng để bê tông hóa mở rộng. Song song đó phải xây dựng các hồ điều tiết để trữ nước mưa. Vùng nào mà nguồn nước máy hoặc nước sông, kênh đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng thì tuyệt đối không cho phép sử dụng nước ngầm.
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cũng đề xuất cần điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất. Trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế ngay do đã khai thác quá mức. Trên cơ sở đó các địa phương sẽ phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất ở địa phương. Ngoài ra, cần xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm, với tổng lượng khai thác hơn 700.000m3/ngày, trong đó chiếm phần lớn vẫn là hộ gia đình đơn lẻ với hơn 355.000m3/ngày, còn lại là các đơn vị, doanh nghiệp. Dự kiến từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn còn 100.000m3/ngày.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã và đang tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức nâng cao nhận thức trong việc khai thác sử dụng nước ngầm một cách khoa học, hợp lý. Song song đó, thành phố cũng đang triển khai công tác trám lấp giếng; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động khai thác nước ngầm trái phép, sử dụng nước không đúng mục đích. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về khoan nước dưới đất.