“Chạy” hay không “chạy”?

Giống như sự dằn vặt “tồn tại hay không tồn tại” của Hamlet, câu hỏi trên với vấn đề chạy trường, lớp cho học sinh phổ thông của phụ huynh thật khó trả lời trong bối cảnh đất nước còn thiếu thốn đủ thứ: thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Nhưng có nhất thiết cái gì cũng phải “chạy” và chẳng lẽ không “chạy” là không được? Mấy ngày qua, chuyện tuyển sinh đầu cấp ở bậc học phổ thông bỗng nổi lên thành một hiện tượng “chạy” đến mức người ta lắc đầu giải đáp rằng … dù gì thì cũng phải “chạy” thôi! Và quả thực, sức “chạy” của người dân thật đáng khâm phục: Họ chen lấn, xô đẩy, thức đêm thức hôm để quyết chí giành giật một chỗ học cho con em mình. Không thể trách họ vì ai cũng mong muốn thế hệ tương lai có một môi trường giáo dục tốt nhất – như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng mơ ước là “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. 

Song le, ước nguyện đó của ông chỉ được thực hiện phần nào khi chúng ta phải “chạy” ngược chạy xuôi lo kéo giảm khoảng cách giàu nghèo, lo kinh phí xây trường lớp, lo củng cố đội ngũ giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa sao cho bằng khu vực nội đô… và càng “chạy” lại càng thấy còn thiếu nhiều điều kiện cần và đủ, chưa đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu xã hội. Mà phàm cái gì thiếu ắt sinh ra chuyện “chạy”, cũng như có “cầu” ắt phải có “cung”.

Các năm trước, chuyện “chạy trường” là chuyện “mặc định” với đủ thứ hỉ, ái, nộ: có chuyện “chạy” tiêu cực như vụ ở Trường THPT Lê Quý Đôn, lại có chuyện “chạy” về bản chất là tích cực như “thư tay” giới thiệu hoàn toàn phi vụ lợi. Năm nay, để diệt trừ tận gốc chuyện “chạy trường” dưới mọi hình thức, Sở GD-ĐT TPHCM đã đưa ra chủ trương “nghiêm cấm nhận trái tuyến” đối với học sinh lớp 1 và lớp 6. Nghĩa là “ai về nhà nấy”, ai hộ khẩu đâu được “phân luồng” về đó và mọi chuyện được phân cấp cho các quận, huyện giải quyết. Thế nhưng, cái tưởng đúng lại tỏ ra… gần đúng khi giáp mặt với thực tế phát sinh.

Ở các quận có mật độ trường có “thương hiệu” còn thưa thớt như các quận 5, quận 6…, cảnh tượng chen lấn mua đơn xin nhập học – giống như mua gạo mấy hôm sốt “ảo” – thật sự làm phiền lòng người dân, ít nhiều làm triệt tiêu những ý tưởng tốt đẹp ban đầu.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, năm nay có điều kiện tốt nhất để lập lại kỷ cương “do mạng lưới trường lớp ở các quận, huyện đã được xây dựng khá đầy đủ, cân đối giữa các địa bàn dân cư sao cho địa bàn nào cũng có trường tốt để đáp ứng nhu cầu người dân”, cho nên - theo ông - một trong những nguyên nhân của hiện tượng “chạy trường” là phụ huynh rất thiếu thông tin về mạng lưới trường lớp khu vực mình cư trú, chỉ thích đổ dồn về các trường ở quận trung tâm. Và giải thích của ông Huỳnh Công Minh có cái lý của người quản lý ngành giáo dục thành phố khi phải đối mặt với thách thức “quá tải” để cân đối nhu cầu thừa-thiếu, tăng-giảm.

Song thử hỏi thành phố chúng ta có thêm bao nhiêu trường được xây mới và được gắn “sao” chất lượng dịch vụ? Làm sao giải quyết sự bất tiện của phụ huynh khi “ăn, ngủ quận 8, đi làm quận 3”? Rồi giải quyết thế nào mâu thuẫn “học phí vừa phải – chất lượng đảm bảo” khi tuyệt đại đa số người dân có thu nhập không thể với tới các trường quốc tế hoặc “công lập tự chủ tài chính”?

Rõ ràng, từ chủ trương đến cách thức thực hiện vẫn còn độ vênh. Và để gọt giũa độ vênh này thì nhất thiết phải đảm bảo “chủ trương 1, biện pháp 10”. Nghĩa là, cách thức tuyển sinh đầu cấp phải uyển chuyển và “mềm” hơn với sự hợp lực thực sự “vì dân, cho dân” giữa ngành giáo dục với cấp quản lý địa phương. Nếu không, những biện pháp thực hiện chủ trương “cấm trái tuyến” sẽ không đạt được mục tiêu “xây dựng một xã hội học tập” như Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã đề ra cho ngành giáo dục thành phố.  

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục