
L.T.S: Để thực hiện chủ trương từ nay đến năm 2010 TPHCM phải xây dựng 80 ngàn căn hộ, bên cạnh việc tạo cơ chế chính sách thông thoáng thì sử dụng công nghệ mới trong xây dựng là hết sức cần thiết. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của kỹ sư Phan Phùng Sanh.
Ưu điểm của công nghệ EVG-3D
Việc xây dựng nhà cao tầng bằng công nghệ panel EVG-3D xuất phát từ nước Cộng hòa Áo. Đây là ý tưởng rất thông minh và sáng tạo, xứng đáng được tôn vinh như cuộc cách mạng thứ hai trong ngành xây dựng sau ý tưởng về “ứng lực trước”, tạo ra được nhiều công trình nhịp lớn, làm thay đổi năng lực xây dựng của giao thông, kết nối đô thị. Các ưu điểm của loại công nghệ này như sau:

Một công trình nhà cao tầng đang được xây dựng bằng công nghệ EVG-3D panel. Ảnh: T.L.
Không cần xây gạch, có nghĩa là không cần mất đất và nhiên liệu để sản xuất gạch, không thải ra khí độc hại (Co, CO2, SO2,…) làm ô nhiễm bầu khí quyển. Thi công dễ dàng, không cần giàn giáo, cẩu lắp nặng nề, chỉ cần một số thanh chống và giằng là có thể lắp ghép được cũng như tô trát hoàn chỉnh.
Tổng trọng lượng của công trình có thể giảm đến 40%, điều này vô cùng thích hợp với vùng đất yếu, chi phí cho phần nền móng giảm hẳn. Rất bền vững, có thể chịu được bão lớn 300km/giờ, chịu được động đất đến 7,5 độ richter, chịu được nhiệt độ cao (1.0000C trong 1 giờ).
Cách âm (340 độ), cách nhiệt rất tốt so với công nghệ xây dựng truyền thống, đồng nghĩa với việc giảm tiêu hao năng lượng cho điều hòa không khí. Không có dầm nên giảm được chiều cao cho mỗi tầng, với ngôi nhà cùng chiều cao, nhưng số tầng sẽ nhiều hơn.
Dễ dàng tạo dáng, có thể là mái vòm, mái cong, mái lượn,… đặc biệt là các ngôi nhà đã xây dựng cần tăng thêm diện tích bằng cách nâng thêm tầng, có thể không phải gia cố nhiều. Ứng dụng công nghệ EVG-3D panel vào việc xây dựng các nhà cao tầng chắc chắn giá thành phần thô sẽ rẻ hơn không dưới 20%.
Đối với nước ta công nghệ EVG-3D panel là mới so với các nước Mỹ và châu Âu, nhưng ta có đủ năng lực để ứng dụng công nghệ này: lưới thép với cường độ cao, có thể dùng mác thép CT2 kéo nguội, có đường kính Þ2 - 3,8 đảm bảo cường độ chịu kéo R3 5.500 kg/cm2 và được mạ kẽm yêu cầu đạt g3 20g/cm2.
Với yêu cầu đó, các nhà máy cán, kéo thép của ta hoàn toàn có thể đáp ứng được. Hạt polysterene để sản xuất mốp hiện nay tạm thời phải nhập khẩu, nhưng khi các khu công nghiệp hóa dầu của nước ta ra đời thì sẽ không thiếu. Các loại mác ciment, loại phụ gia trong nước hoàn toàn sản xuất đủ…
Làm thế nào để vận dụng?
Công nghệ EVG-3D panel đã được chào hàng ở Việt Nam từ 1992 nhưng đến nay vẫn chưa được ứng dụng đại trà. Nguyên nhân là do giá thành nhập thiết bị toàn bộ kể cả chuyển giao công nghệ khá cao (khoảng 11 triệu USD), đã có một số doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khá tốn kém nhưng rồi phải bỏ lửng, bởi không đủ vốn để đầu tư.
Để ý tưởng thông minh và sáng tạo trong kết cấu nhà cao tầng EVG-3D panel được ứng dụng rộng rãi ở nước ta, chúng tôi đề xuất:
Cần hình thành doanh nghiệp chuyên doanh về “tư vấn thiết kế xây dựng sử dụng EVG-3D panel”. Có thể doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài là chủ sở hữu của công nghệ này, hoặc mua bản quyền của họ, cũng như tổ chức tư vấn giám sát xây dựng panel EVG-3D.
Cho phép các doanh nghiệp mua thiết bị lẻ để sản xuất panel 3D ở một số nước khác, như Hàn Quốc, Trung Quốc… với giá thành rẻ hơn, nhưng sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn mà Bộ Xây dựng đã ban hành.
Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất ra panel-3D bằng cách cho vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi; đối với doanh nghiệp xây dựng, nếu sử dụng panel 3D để xây dựng nhà cao tầng thì được giảm một số loại thuế trong một thời gian nhất định.
Kỹ sư PHAN PHÙNG SANH