Xét tuyển nguyện vọng 1
Chỉ còn hai ngày nữa, cuộc đua xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2015 sẽ kết thúc. Trong những ngày qua, thí sinh lẫn phụ huynh bị cuốn vào vòng xoáy thông tin điểm chuẩn tạm thời để chen nhau nộp - rút - nộp hồ sơ. Tuy nhiên, nếu thận trọng và bình tĩnh, thí sinh và phụ huynh vẫn còn nhiều cơ hội để lựa chọn, trong đó điều quan trọng vẫn là chọn ngành mình thích trước.
Mệt mỏi
Tình hình rút hồ sơ trở nên căng thẳng khi nhiều thí sinh, phụ huynh tranh giành để được giải quyết sớm. Đã vậy, việc rút hồ sơ càng trở nên vất vả hơn khi Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường từ ngày 18 đến 20-8 phải cập nhật thông tin điểm chuẩn dự kiến (theo ngành/tổ hợp môn xét tuyển) lên website của trường và báo cáo bộ.
Thí sinh, phụ huynh nộp - rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trong ngày 18-8.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm thí sinh và phụ huynh chờ chực trước cổng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. 7 giờ, khi phòng tuyển sinh mở cửa, cả ngàn thí sinh và phụ huynh chen nhau nộp và rút hồ sơ. Dù trường đã bố trí cả lực lượng sinh viên tình nguyện hướng dẫn, yêu cầu xếp hàng nhưng tình trạng chen lấn, giành giật vẫn xảy ra. Bên trong phòng tuyển sinh, trường bố trí gần 20 cán bộ phụ trách việc thu hồ sơ, tìm trả hồ sơ cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn không rút được hồ sơ do gửi qua đường bưu điện và trường chưa nhận được.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, trong hai ngày 17 và 18-8 đã có gần 2.000 hồ sơ được rút ra, còn lượng hồ sơ nộp vào chưa tới 1.000. Nhiều thí sinh và phụ huynh cùng tay xách nách mang để chờ đợi nghe ngóng tình hình rút trường này, nộp trường khác. Thí sinh N.B.T.H. (ngụ tỉnh Lâm Đồng) thi khối D1, đạt tổng điểm 3 môn là 21,75 điểm (chưa cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực 1) đã xuống TPHCM từ ngày 1-8 đến nay để theo dõi tình hình nộp hồ sơ. Theo H. kể: “Ban đầu em định nộp vào ngành Sư phạm tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Cũng may là có người quen tư vấn và khuyên em nên chờ đến gần cuối đợt xét tuyển hãy nộp. Thật sự đến giờ này, em thấy quá mệt mỏi khi suốt ngày phải theo dõi thông tin nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành mà em đã chọn. Với tình hình này, em đành chuyển hướng sang ngành Ngôn ngữ Anh ở một số trường khác”.
Thí sinh N.H.C. (Tiền Giang) thi khối A đạt 21 điểm và lên TPHCM nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Sau 7 ngày, thí sinh này rút hồ sơ và ở nhờ nhà người thân để chờ và theo dõi thông tin. Đến ngày 18-8, thí sinh này bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Trước tình thế này, người thân của thí sinh phải lên Phòng tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT nhờ tư vấn để nộp hồ sơ cho an toàn.
Thí sinh phải bình tĩnh
Thực tế cho thấy, nhiều trường tốp trên và tốp giữa như các trường y dược, các trường nhóm kinh tế, ngân hàng, ngoại thương và ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, mức điểm cao ngoài dự đoán và phá vỡ mọi tính toán của thí sinh lẫn phụ huynh. Tuy nhiên, nếu thí sinh bình tĩnh vẫn còn có cơ hội vào những trường công lập và học đúng ngành mà mình yêu thích.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, phân tích: Ở nhiều trường công lập tên tuổi, với nhóm ngành kinh tế, công nghệ và cả những ngành kỹ thuật hay nhóm ngành sư phạm, thí sinh có mức điểm từ 15 - 20 điểm rất ít cơ hội trúng tuyển. Do đó, thí sinh nên theo dõi sát thông tin điểm chuẩn tạm thời mà các trường công bố để rút hồ sơ nộp sang những ngành, những trường có ít hồ sơ. Nếu thí sinh muốn có một suất học ở trường công lập thì nên quan tâm đến những ngành ít hồ sơ so với chỉ tiêu hoặc những trường có ít hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thí sinh phải ưu tiên chọn ngành mình thích, thì dù học ở trường địa phương hay trường ở TP thì cũng như nhau. Một số trường ĐH công lập ở địa phương hiện nay lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển ít và điểm cũng thấp hơn nhiều so với các trường tại những thành phố lớn.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng: Nếu các trường cập nhật đầy đủ và trung thực giữa chỉ tiêu và hồ sơ đăng ký xét tuyển thì giống như “chơi bài ngửa” với thí sinh rồi. Đã chơi bài ngửa thì thí sinh hoàn toàn có thể biết với mức điểm mình có thì khả năng là đậu hay không đậu. Từ đó, thí sinh sẽ “biết người biết ta” và có sự chuyển hướng, tính toán hợp lý.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Thí sinh có thể canh vào điểm chuẩn tạm thời để biết mình có khả năng đậu hay rớt, để có thể đăng ký chuyển ngành hoặc rút hồ sơ. Tuy nhiên, điểm chuẩn tạm thời sẽ thay đổi nếu như tình hình hồ sơ đăng ký có biến động. Do đó, nhiều khả năng trong ngày 19 và 20, tình hình chuyển ngành và chuyển trường sẽ rất nhộn nhịp, nhà trường nên hỗ trợ thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng trực tuyến trên website của nhà trường.
THANH HÙNG