Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với PV Báo SGGP về vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang.
° Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết một kỳ thi tốt nghiệp THPT rình rang, không phản ánh đúng trình độ học sinh?
° Ông TRỊNH NGỌC THẠCH: Có nhiều người nói bỏ kỳ thi này đi. Nhưng quan điểm của tôi, kỳ thi có giá trị của nó. Nhưng đúng là càng ngày càng phản ánh nhiều mặt trái của kỳ thi này. Dồn ép 12 năm học vào một kỳ thi để đánh giá sản phẩm giáo dục là không chính xác. Học sinh học 12 năm, tốt nghiệp tất nhiên muốn có điểm cao (dù thực chất chất lượng không cao) để ghi nhận quá trình học.
Vì thế, điểm cao đó không nói lên chất lượng mà chỉ là hình thức. Nhưng nếu đặt vấn đề bỏ kỳ thi này cũng cần phải đánh giá nghiêm túc. Cần xem xét tổ chức thi như vậy hiệu quả ra sao, được gì, mất gì. Mất nhiều như thế thì thu được gì? Một số nước thi rất đơn giản, đánh giá từng giai đoạn ngắn để ghi nhận học sinh, còn chúng ta thì nặng nề quá cho nên phải xem xét lại.
° Ông đánh giá thế nào về các kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, khi có nhiều hiện tượng tiêu cực?
° Với cách tổ chức và quan niệm thi cử như hiện nay thì chắc chắn đều xảy ra sự cố. Cả nước dồn nén vào một kỳ thi, áp lực lớn. Kỳ thi phổ thông có nhiều tiêu cực về thành tích, nhất là đánh giá thành tích chất lượng giáo dục về điểm số. Các trường đua nhau, các tỉnh đua nhau nên chắc chắn có sự cố.
° Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc học sinh tự quay clip gian lận ở Bắc Giang, sau đó đưa lên mạng là làm ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của học sinh. Ông có nhận xét gì?
° Tự phát tung lên mạng như thế đúng là làm xã hội hoang mang. Nhưng cũng phải nói đến mặt mạnh của clip tung lên mạng là cảnh báo cho xã hội có hiện tượng đó. Nếu không tung lên thì sao dư luận biết, đó là mặt mạnh của nó. Nhưng lý tưởng nhất là khi đã có clip thì người muốn phản ánh tiêu cực phải có trách nhiệm thông báo cho chính quyền một cách bí mật. Sau khi phản ánh mà chính quyền không vào cuộc thì có thể công bố trước công luận.
Theo tôi, phải xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm trong vụ gian lận ở Bắc Giang. Phải xử lý ông chủ tịch hội đồng coi thi trước, phải tìm ra những ai vi phạm. Còn với em học sinh quay clip, phải phân biệt công và tội. Công là phát hiện và đưa clip ra; nhưng vi phạm là đưa phương tiện quay vào phòng thi. Nên có hình thức để em ấy nhận ra sai phạm của mình và chỉ cần nhắc nhở, không nên kỷ luật nặng nề. Không nên xóa kết quả thi của em ấy vì như thế sẽ gây tác dụng xấu, cần hết sức cân nhắc đến việc xử lý em ấy.
° Năm 2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã từng chống gian lận thi cử bằng cách thông báo cho cơ quan chức năng, nhưng rồi cuối cùng cách xử lý không đến nơi đến chốn khiến lần này ông Khoa tự tung lên mạng. Vậy phải chăng người dân không còn tin vào cơ quan chức năng?
° Đúng là nếu người ta đã thông báo với cơ quan có trách nhiệm mà xử lý không dứt điểm thì lần sau họ sẽ làm bộc phát. Khi đó có thể kiến nghị cấp cao hơn. Nếu gửi vào Quốc hội thì không đơn từ nào chúng tôi bỏ qua cả.
° Ông có cho rằng sự việc này thể hiện sự yếu kém của quản lý nhà nước về giáo dục?
° Rõ ràng, chức năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có vấn đề rồi.
° Kỳ này ông có chất vấn về điều này?
° Giáo dục đúng là có nhiều vấn đề. Năm ngoái Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã trả lời chất vấn, năm nay trong danh sách dự kiến trả lời chất vấn không có Bộ GD-ĐT. Nêu vấn đề ở hành lang Quốc hội thì được, nhưng đưa vào nghị trường chắc khó. Còn chất vấn bằng văn bản thì bộ trưởng phải trả lời.
LÂM NGUYÊN