Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) cùng các đợt xét tuyển vào đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2015 đã thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp, mọi giới trong xã hội. Ngoài những kết quả ban đầu đã đạt được, kỳ thi còn rất nhiều vấn đề cần được rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung để kỳ thi những năm tiếp theo để đạt được hiệu quả, giảm căng thẳng về tâm lý cũng như tốn kém cho học sinh, gia đình và xã hội.Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS-TSKH Lê Minh Triết, Phó Chủ tịch Hội Vật lý TPHCM xung quanh vấn đề này.
Từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đến Nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X, Đảng ta đã coi giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Bên cạnh những thành tựu đạt được, nền giáo dục và đào tạo đã bộc lộ những yếu kém căn bản. Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội XI đã xác định phải đổi mới một cách cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo nước ta. Đổi mới cơ chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là một nội dung đổi mới có quan hệ hàng năm với hàng triệu học sinh, hàng triệu gia đình và có ảnh hưởng đến toàn xã hội. Cuộc thử nghiệm đổi mới 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với quy chế kết hợp thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ chưa được tổng kết, nhưng ngay bây giờ ta có thể nhận ra nhiều điều bất cập và không tuân thủ quy định của Luật Giáo dục đại học 2013.
Hai mục tiêu khác nhau
Chúng ta đều biết các trường ĐH, CĐ trên thế giới đều coi bằng tốt nghiệp hay chứng chỉ hoàn thành chương trình trung học là một trong các điều kiện để thi tuyển hoặc xét tuyển vào ĐH, CĐ. Mục tiêu của thi tốt nghiệp THPT là đánh giá mức độ nắm vững chương trình giáo dục phổ thông của học sinh. Thi tuyển hay xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có mục tiêu là đánh giá khả năng đáp ứng của thí sinh đối với các yêu cầu đào tạo ở bậc ĐH, CĐ. Do đó, việc gộp chung hai kỳ thi rõ ràng không phù hợp yêu cầu đào tạo theo ngành nghề ở bậc ĐH, CĐ.
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Sử kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (Ảnh: Mai Hải)
Việc duy trì, bãi bỏ hay bổ sung các kỳ thi tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo, chứ không thể chỉ dựa vào yêu cầu tiết kiệm ngân sách hay tạo điều kiện cho thí sinh rộng cửa vào ĐH, CĐ (vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ” đã được dư luận xã hội nói nhiều trong những năm gần đây). Chế độ thi cử và tuyển sinh ở các nước khác nhau, nói chung không giống nhau. Ở nước ta, kỳ thi tuyển vào THPT đã được bãi bỏ. Ở Hungari, trái lại kỳ thi kết thúc trung học cơ sở được coi trọng vì chứng chỉ hoàn thành trung học cơ sở là điều kiện cần để được vào các trường đào tạo công nhân kỹ thuật. Ở Mỹ, không có kỳ thi tốt nghiệp trung học, mà chỉ xét tốt nghiệp dựa trên kết quả của quá trình học. Ở Hàn Quốc, các trường tư được thực hiện hệ thống tiêu chí tuyển sinh riêng, không theo các tiêu chí và trình tự tuyển sinh do chính phủ quy định. Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình THPT, nên ngay bây giờ cũng phải nghiên cứu thấu đáo và lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng các quy chế ổn định cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Phân cấp mạnh cho địa phương và các trường ĐH, CĐ
Đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới nhận thức và tư duy quản lý giáo dục. Bộ GD-ĐT thay mặt Chính phủ quản lý thống nhất nội dung, chương trình, thẩm định và giám sát chất lượng, đồng thời phân cấp mạnh cho địa phương và mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo ĐH và CĐ. Bộ GD-ĐT không nên trực tiếp thực hiện những việc không nên làm, như tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, bộ chỉ ban hành quy chế thi bao gồm các môn thi, tiêu chí nội dung đề thi, thanh tra việc tổ chức thi, thẩm định kết quả thi và thủ tục cấp bằng. Việc tổ chức thi hoàn toàn có thể giao cho các Sở GD-ĐT thực hiện (thực tế, bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở GD-ĐT ký, chứ không phải do Bộ GD-ĐT ký). Hiện nay và một số năm tới có lẽ vẫn duy trì đề thi chung toàn quốc, nhưng trong tương lai việc ra đề thi có thể giao cho các Sở GD-ĐT hoặc Học khu (gồm các sở trong một vùng lãnh thổ có các đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hóa giống nhau). Học khu không phải là cấp quản lý như Khu Giáo dục trước đây, mà chỉ là tổ chức phối hợp giữa các sở trong công tác ra đề thi hàng năm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ GD-ĐT quản lý thống nhất hoạt động tuyển sinh ĐH, CĐ thông qua việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học. Bộ không nên can thiệp trực tiếp vào công tác tuyển sinh hàng năm của các trường ĐH, CĐ mà chỉ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy chế. Vào mùa tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ phải sắp xếp lịch thi không trùng nhau để các thí sinh nộp đơn nhiều trường có thể tham gia thi tuyển.
Chế độ ưu tiên và công bằng trong giáo dục
Chủ trương ưu tiên trong đào tạo cho các đối tượng chính sách, cho dân tộc ít người và cho vùng sâu, vùng xa là hoàn toàn đúng và đã được thực hiện từ năm học 1955-1956 sau khi miền Bắc được giải phóng. Nhưng biện pháp cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển vào ĐH như hiện nay không phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng đầu vào ĐH, CĐ và nguyên tắc công bằng trong giáo dục. Thay cho điểm ưu tiên, các thí sinh thuộc diện ưu tiên được bổ túc kiến thức trong các khóa học tập trung tại các trường bổ túc hoặc ở các lớp dự bị thuộc trường ĐH, CĐ trước khi tham gia thi tuyển. Sau khi được bổ túc kiến thức các thí sinh thuộc diện ưu tiên tham gia thi tuyển bình đẳng với tất cả các thí sinh khác.
Bộ Giáo dục trước đây đã thực hiện rất thành công biện pháp này trong đào tạo ưu tiên. Chúng ta cần phải nghiên cứu bài học thành công này để áp dụng trong hoàn cảnh mới. Mọi người đều biết một số không nhỏ các nhà khoa học, nhà giáo, kỹ sư, nhà quản lý, nhà lãnh đạo ở nước ta đã từng trải qua các lớp bổ túc đặc biệt này trước khi thi vào các trường ĐH trong nước và được tham gia xét tuyển đi du học ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây. Đổi mới, cải cách không có nghĩa là xóa bỏ mọi thứ, mà còn phải kế thừa những kinh nghiệm thành công của các giai đoạn trước.
GS-TSKH LÊ MINH TRIẾT
(Phó Chủ tịch Hội Vật lý TPHCM)