Thi tốt nghiệp trung học phổ thông - Dự kiến bỏ chấm chéo, không bắt buộc thi cụm

Hôm qua 12-12, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Theo đó, điểm mới đáng lưu ý là bỏ chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, không bắt buộc phải tổ chức thi theo cụm trường. Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông - Dự kiến bỏ chấm chéo, không bắt buộc thi cụm

(SGGP). – Hôm qua 12-12, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Theo đó, điểm mới đáng lưu ý là bỏ chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, không bắt buộc phải tổ chức thi theo cụm trường. Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT.

Học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM trao đổi sau giờ thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM trao đổi sau giờ thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: MAI HẢI

Cụ thể, với việc tổ chức thi theo cụm trường, Giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập các hội đồng coi thi. Mỗi hội đồng coi thi gồm một hoặc nhiều trường phổ thông. Về chấm thi, giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập hội đồng chấm thi tốt nghiệp phổ thông; trong đó, mỗi môn tự luận có 2 tổ chấm thi, đảm bảo giáo viên không chấm bài thi tự luận của học sinh trường phổ thông mình giảng dạy. Các hội đồng coi thi bàn giao trực tiếp cho hội đồng chấm thi không qua sở GD-ĐT.

Như vậy, Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ quy định cứng về thi cụm, bỏ chấm chéo tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được trả về cho các tỉnh tự tổ chức theo hình thức phù hợp với điều kiện và năng lực địa phương. Các sở tự tổ chức chấm chéo trong tỉnh mình.

Bên cạnh đó, dự thảo còn có điểm mới là bỏ thanh tra ủy quyền của bộ. Bộ cũng sẽ bỏ lực lượng thanh tra chéo giữa các tỉnh, thanh tra ủy quyền, thanh tra điều động từ các trường đại học. Thay vào đó, tùy mỗi tỉnh, nếu thấy cần thiết có thể ký hợp đồng trách nhiệm với trường đại học trên địa bàn về hỗ trợ thanh tra. Bộ sẽ tăng cường các đoàn thanh tra lưu động kiểm tra bất ngờ các địa phương.

Đề thi cũng sẽ có điều chỉnh. Theo đó, bộ sẽ thay đổi thành phần ra đề thi, gồm cả giáo viên THPT và giảng viên đại học nhằm thực hiện tốt tính phản biện giữa các thành viên và đảm bảo tính chính xác của đề.

Ngoài ra, đề thi cũng bám sát các điều chỉnh về giảm tải của bộ trong đầu năm học. Bên cạnh kiến thức cơ bản, đề cũng dành tỷ lệ thích hợp cho vận dụng kỹ năng.

Việc lập danh sách thí sinh đăng ký thi cũng được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, trong mỗi hội đồng coi thi, danh sách thí sinh được sắp xếp theo 3 bước. Bước 1, xếp theo thứ tự ban: Thí sinh Ban Khoa học tự nhiên, Ban Khoa học xã hội và nhân văn, Ban Cơ bản; thí sinh giáo dục thường xuyên (nếu có). Bước 2, xếp theo thứ tự ưu tiên của môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên): Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật. Bước 3, lập danh sách thí sinh cho mỗi môn thi ngoại ngữ và dành riêng cho giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a, b, c... của tên thí sinh. Số báo danh của thí sinh được đánh từ 0001 đến hết số thí sinh của hội đồng coi thi.

Trong mấy năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo hình thức thi cụm (một cụm thi gồm khoảng 3 trường), chấm chéo (bài thi của tỉnh này được gửi sang tỉnh khác chấm). Điều này đã gây không ít khó khăn khi có thí sinh phải đi hàng chục kilômét mới đến điểm thi, phải thuê ô tô, ở nhà trọ để thi tốt nghiệp. Việc vận chuyển bài thi giữa các tỉnh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với các tỉnh miền núi, giao thông đi lại xa và đường sá không thuận lợi. Đó là chưa kể việc chấm chéo đã gây ra tình trạng “chấm chặt, chấm lỏng” ở một số địa phương làm ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh. Vì vậy, dư luận cũng như nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ thi cụm, chấm chéo. 

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục