Câu chuyện hội nhập

Thị trường chứng khoán – miếng bánh đủ cho mọi người

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang sôi động từng ngày, kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Có vẻ như sự mở cửa vào nền kinh tế thế giới này tạo tâm lý sốt ruột cho các nhà đầu tư trong nước, thúc dục mọi người nhanh chân lên, kẻo lỡ chuyến tàu đầu tư làm giàu cho bản thân.

Trào lưu đầu tư vào chứng khoán thật hồ hởi, phấn khởi như ngày nào mọi gia đình hăm hở đào ao nuôi ba ba, cá trê phi. Cũng không khác gì phong trào mua bán, đầu cơ đất đai những năm đầu thập kỷ 90.

Thói quen, tâm lý kinh doanh dựa vào tin đồn và sự thiếu kiến thức về một loại hình kinh doanh mới mẻ này của các nhà đầu tư trong nước đã làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam có “sự phát triển không giống ai của chu kỳ lên xuống” (ý kiến của ông John Shrimpton, Quỹ đầu tư Dragon Capital ).

Có khá nhiều nhận định lạc quan cũng như lo lắng về sự phát triển bất bình thường của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, hầu như không làm cho các nhà đầu tư trong nước giảm hứng thú với câu chuyện kinh doanh làm giàu, bất chấp mọi cảnh báo về các chỉ số kinh tế, tài chính, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch …Vậy, hiện tại khả năng của thị trường ra sao?

Tính đến tháng 3-2007, TTCKVN có 193 công ty, doanh nghiệp niêm yết, tổng vốn khoảng 371.000 tỷ VND, với 158.000 nhà đầu tư, giá trị giao dịch bình quân 869 tỷ VND/ngày. Nhiều người cảnh báo về chỉ số P/E (72-73/1) của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam trên sàn chứng khoán thể hiện hiệu suất kinh doanh quá thấp so với bình quân của các doanh nghiệp thế giới (15/1), nhưng thị trường tăng trưởng nóng là do cầu vượt cung…

Thực tế, với số doanh nghiệp niêm yết trên TTCKVN hiện tại cho thấy chưa phải là những doanh nghiệp mạnh của nền kinh tế. Chính phủ đang có kế hoạch đưa 200 doanh nghiệp chủ chốt của nền kinh tế vào cổ phần hóa và lên sàn.

Chắc chắn tổng vốn của 200 doanh nghiệp này sẽ gấp nhiều lần, áp đảo số vốn hiện có trên TTCKVN. Mới tính riêng kế hoạch của Ngân hàng Ngoại thương VCB đưa lên lần đầu đã tới 40.000 tỷ VND. Trong khi đó, theo một dự đoán cách đây một năm, nguồn vốn lưu giữ trong dân chỉ khoảng 5 – 6 tỷ USD.

Như vậy, để đảm bảo cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế huy động đủ vốn cho đầu tư phát triển trong một thời gian dài, TTCKVN không những có khả năng thu hút hết nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước mà còn phải thu hút khá nhiều nguồn vốn từ nước ngoài. Điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi nhà có thể đầu tư kinh doanh, làm giàu là không thiếu, nếu có ý chí. Vấn đề quan trọng là trang bị kiến thức, kinh nghiệm làm hành trang cho con đường đi tới.

Nên nhớ, Việt Nam gia nhập WTO mới được 4 tháng (từ tháng 11-2006). Còn nhiều thứ chúng ta phải học hỏi. Vội vàng, hấp tấp, nóng vội sẽ phải trả giá.

CHÂU LONG

Tin cùng chuyên mục