Thị trường chứng khoán toàn cầu lại chao đảo

Thị trường chứng khoán toàn cầu lại chao đảo

* 180 tỷ USD cứu hệ thống tài chính ° Giá dầu, vàng tăng mạnh

Kết thúc phiên giao dịch vào chiều 17-9 (giờ Mỹ), rạng sáng 18-9 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục chứng kiến phiên sụt giảm liên tiếp của hàng loạt cổ phiếu chủ chốt, bất chấp những nỗ lực mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để cứu thị trường tài chính. Chỉ số công nghiệp Down Jones giảm 4%, mất 450 điểm, chốt ở mức 10.609 điểm sau phiên tăng điểm khả quan trong phiên giao dịch sáng cùng ngày. Đây là phiên giảm điểm thấp nhất kể từ sau vụ tấn công 11-9. Chỉ số công nghệ cao Nasdaq rơi vào hoàn cảnh tương tự, giảm 4,94% so với phiên giao dịch sáng cùng ngày, chốt ở mức 2.098 điểm.

Thị trường chứng khoán toàn cầu lại chao đảo ảnh 1

Phiên giảm điểm kỷ lục trên sàn chứng khoán Kuala Lumpur, Malaysia ngày 18-9.

Ảnh hưởng từ cơn “địa chấn tài chính Mỹ”, tình trạng tương tự xảy ra tại TTCK Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Phillipines, Malaysia, Indonesia…. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư trên TTCK Mỹ và thế giới vẫn bị ám ảnh nặng nề bởi nguy cơ thêm một loạt ngân hàng và tổ chức tài chính của Mỹ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng bùng nổ cách đây hơn một năm và đang lan tỏa ngày càng rộng trên phạm vi toàn cầu.

Tại TTCK châu Âu, chỉ số FTSE của Anh giảm 2,2%. Chỉ số Cac của Pháp giảm 2,1% và chỉ số Dax của Đức giảm 1,75%. TTCK Nga cũng buộc phải ngừng giao dịch do giá sụt quá mạnh (60%) từ hồi đầu tuần

Đứng trước cuộc khủng hoảng mới, Mỹ, châu Âu và châu Á đã nhanh chóng đưa ra hàng loạt biện pháp mạnh để cứu thị trường tài chính. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (NSB), Ngân hàng trung ương Canada (BoC) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định “bơm” tổng số tiền 180 tỷ USD vào hệ thống tài chính thế giới. Đây là nỗ lực mới nhất của các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới nhằm làm giảm sức ép lên các thị trường tài chính quốc tế.

Sau tuyên bố cứu nguy ngành tài chính toàn cầu của FED và nhiều ngân hàng lớn trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch vào sáng 18-9 (giờ Mỹ) tối 18-9 (giờ Việt Nam), các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã tăng nhẹ. Chỉ số công nghiệp Down Jones tăng 137 điểm (1,3%) chốt ở mức 10.747. Chỉ số công nghệ cao Nasdaq tăng 33 điểm (1,59%) chốt mức 2.132. TTCK châu Âu có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số FTSE 100 tăng 0,44%, chỉ số DAX tăng 1,07% và chỉ số CAC tăng 1,22%.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 18-9 thông báo sẽ phát hành lượng trái phiếu trị giá 40 tỷ USD trong vòng 35 ngày để hỗ trợ FED vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ngân hàng Barclays PLC của Anh loan báo đã đạt được thỏa thuận mua lại Lehman Brothers Holdings (Mỹ) - vừa tuyên bố phá sản, với tổng trị giá 1,75 tỷ USD. Chính phủ Nga đã thông qua quyết định bơm 45 tỷ USD để cứu 3 ngân hàng lớn trong 90 ngày.

Trái ngược với tình hình khá bi quan của TTCK toàn cầu, thị trường dầu mỏ và vàng đã có những phiên giao dịch tăng điểm cao. Tại sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 đã tăng 6 USD/thùng, lên 97,16 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 11 đóng cửa ở mức 94,84 USD/thùng. Giá dầu tăng đã kéo giá vàng tăng theo. Tại New York, giá vàng giao tháng 11 đã tăng 93 USD/ounce lên 873 USD/ounce. 

T.H. (Theo AP, CNN)

Tin cùng chuyên mục