Trước đây, dù được bảo hộ một thời gian khá dài nhưng hàng điện tử sản xuất trong nước vẫn không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi “lột xác” bằng việc chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động, sản xuất, kinh doanh nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất điện tử trong nước như Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình (VTB), Điện tử Biên Hòa (Belco), Công ty CP Đông Á (SAM),… đã có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều khách hàng tín nhiệm.
Xu hướng dùng hàng nội
Sức bật của ngành điện tử Việt Nam được thể hiện rõ nét bắt đầu từ những năm 1990 với nhiều bước tiến vượt bậc trong việc cải tổ sản xuất, đầu tư chiều sâu tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), ngành điện tử Việt Nam khi đó có tốc độ tăng trưởng 20%-30%/năm; xuất khẩu sang 35 quốc gia; kim ngạch xuất khẩu năm sau tăng hơn năm trước.
Đơn cử, năm 1996 ngành điện tử xuất khẩu đạt 90 triệu USD, năm 2005 đạt 1,5 tỷ USD. Riêng trong 9 tháng 2006, doanh thu nội địa của ngành điện tử Việt Nam đã đạt được 1,3 tỷ USD,…
Theo nhận định của các chuyên gia ngành điện tử, một thời gian dài trước đây, các sản phẩm của mặt hàng này bị chững lại là do thua kém về mẫu mã và chất lượng so với các sản phẩm ngoại nhập đến từ Nhật Bản, Trung Quốc...
Tuy nhiên, hiện nay dạo quanh thị trường, vào bất cứ trung tâm điện máy lớn trong trung tâm TP hay các khu “chợ” điện tử quen thuộc như đoạn đường Hoàng Văn Thụ (đoạn Ngã tư Bảy Hiền), quận Tân Bình, Ngã sáu Gò Vấp, quận Gò Vấp,… rất dễ dàng nhận thấy những nhãn hiệu mặt hàng điện tử trong nước như VTB, SAM, Belco, Darling,… được nhiều khách hàng lựa chọn.
Ưu điểm của những mặt hàng điện tử trong nước là chất lượng vừa phải, giá cả hợp lý với túi tiền người tiêu dùng nên luôn được khách hàng tín nhiệm.
Tại các cửa hàng, siêu thị các mặt hàng điện tử sản xuất trong nước vẫn đủ sức hấp dẫn người mua bởi chất lượng và giá hợp lý. Đơn cử, thương hiệu Belco với ti vi phẳng và mỏng kích thước 21 inches, giá trên 2 triệu đồng/ chiếc. Rẻ nhất trong dòng ti vi do các nhà máy trong nước lắp ráp là SAM 21 inches của Công ty Đông Á với giá 1, 23 triệu đồng/chiếc…
Những sản phẩm như tivi CRT (màn hình gương), đầu karaoke, đầu DVD, loa, ampli mang nhãn hiệu Belco, VTB, Hanel, …cũng được khách hàng lựa chọn.
Chị Lê Thị Nga, chủ cửa hàng Tấn Phát, quận 7 cho biết: Những mặt hàng tiêu thụ mạnh như VTB, SAM, Darling,… là những mặt hàng bán chạy nhất và được khách hàng quan tâm. “Với mức thu nhập trung bình, thì mức giá và chất lượng của các hàng điện tử trong nước là chấp nhận được với đa số người tiêu dùng”, chị Nga nhận xét.
Bên cạnh đó, giá bán các loại tivi màn hình phẳng của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn nhiều so với hàng liên doanh hoặc nhập khẩu. Hiện nay, người tiêu dùng có thể sở hữu một tivi màn hình phẳng 21 inches với mẫu mã đẹp do các công ty Việt Nam lắp ráp với giá từ 3,5-4 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu mua hàng liên doanh hoặc nhập khẩu phải vượt quá con số 4,2 triệu đồng. Có khá nhiều loại tivi màn hình phẳng với kích cỡ từ 21 - 25 - 29 inches, đầu karaoke, ampli do các công ty trong nước như VTB, Belco, Darling,... lắp ráp.
Các công ty này đều sử dụng nguồn linh kiện chủ yếu nhập khẩu từ Nhật. Đồng thời, công nghệ sản xuất của các công ty Việt Nam cũng được thực hiện theo đúng quy trình công nghiệp của các công ty điện tử hàng đầu trên thế giới.
Mặt khác, việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trong thời gian vừa qua cũng góp phần thúc đẩy mức tiêu thụ của các mặt hàng điện tử trong nước.
Đầu tư hợp lý
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã có một bước bứt phá mới và tung ra các sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng cũng như giá cả có sức cạnh tranh cao. Chính vì vậy, dần dần các sản phẩm này được sự tín nhiệm của người tiêu dùng sử dụng thay thế hàng nhập khẩu giá cao.
Hàng điện tử cao cấp do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã gần như có mặt đầy đủ với nhiều mẫu mã đa dạng cho khách hàng lựa chọn. Đó là các dàn âm thanh karaoke chuyên nghiệp, hệ thống loa surround với âm thanh AC3, bộ khuếch đại âm thanh kỹ thuật số, tivi màn hình phẳng...
Ngoài ra, các sản phẩm máy tính để bàn, laptop,… cũng được nhiều doanh nghiệp điện tử trong nước đẩy mạnh đầu tư.
Một trong những dòng sản phẩm máy tính nội được nhiều người tiêu dùng trong nước tin dùng hiện nay có thể kể đến là VTB. Từ một doanh nghiệp chuyên sản xuất ti vi, đầu karaoke và hàng điện lạnh, những năm gần đây VTB có bước chuyển mình mới là đầu tư mở rộng sản xuất sang cả lĩnh vực công nghệ thông tin.
Hiện tại, không chỉ cung cấp các đơn hàng lớn phục vụ khách hàng trong nước, VTB còn xuất khẩu một số dòng sản phẩm máy tính ra nước ngoài.
Giám đốc VTB Ngô Văn Vị cho biết, dù ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới trong cơn suy thoái, tuy nhiên với những dòng sản phẩm của VTB khi xuất xưởng đều đạt chất lượng theo quy chuẩn, cộng với giá thành hợp lý nên sức tiêu thụ vẫn cao.
Dù vậy, nhìn chung hiện nay các mặt hàng điện tử sản xuất trong nước vẫn đơn thuần lắp ráp từ các linh kiện được nhập từ nước ngoài. Mặt khác, ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện cũng phát triển chậm, không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp trong nước, nên hàm lượng lao động Việt Nam trong các sản phẩm điện tử bình quân chỉ khoảng 5% - 10% giá trị sản phẩm,…
Chính vì thế, ngoài các dòng sản phẩm điện tử như VTB có thể hãnh diện khi mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”, số còn lại hiện diện trên thị trường vẫn là hàng ngoại.
Do vậy, để khẳng định vị thế của mình trên “sân nhà”, các doanh nghiệp trong nước cần có sự liên kết, đầu tư chiều sâu hơn nữa để phát triển mặt hàng điện tử sản xuất trong nước, tạo tín nhiệm cao đối với người tiêu dùng.
Đồng thời có những chiến lược, chính sách hiệu quả đầu tư công nghệ để sản xuất trực tiếp trong nước, góp phần phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử bền vững lâu dài trong tương lai.
Minh Tâm - Thủy Tiên