Thị trường lao động lệch pha, vì sao? - Bài 2: Chưa khơi thông nguồn vốn nhân lực

Thị trường lao động lệch pha, vì sao? - Bài 2: Chưa khơi thông nguồn vốn nhân lực
  • “Nhảy việc” tăng vọt

Có thể nói thị trường lao động ở nước ta đang khởi sắc, ấm lên sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi cơn dư chấn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Để lấy lại nhịp độ sản xuất kinh doanh và mở rộng các dự án đầu tư, nhu cầu tuyển lao động tăng đều ở các lĩnh vực, vị trí, ngành nghề. Không chỉ thiếu hụt lao động phổ thông, không nghề mà lao động có nghề cũng thiếu.

Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp ở TPHCM đạt 55% và TP phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 68% lao động làm việc trong các thành phần kinh tế đã qua đào tạo nghề nghiệp. Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng lao động, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, TPHCM tập trung đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ cao (tỷ lệ 100%, trong đó thích ứng 80%).

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Dự báo quốc gia và Thông tin dự báo lao động, cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng cung cầu lao động đang lệch pha, biến động mạnh là do chất lượng lao động ở nước ta mất cân bằng, đào tạo nhiều nhưng chưa gắn với yêu cầu sử dụng của xã hội. Việc và người không gặp nhau vì nhà tuyển dụng thì đòi hỏi tiêu chuẩn, điều kiện cao, trong khi đó nguồn cung lại không đáp ứng. Có một thực tế là người lao động chạy theo xu hướng tìm việc làm dễ-có thu nhập ngay, thay vì phải đầu tư học nghề bài bản”.

Một vấn đề khác là tình trạng “nhảy việc” cũng diễn ra gay gắt. Riêng ở TPHCM, tỷ lệ dịch chuyển lao động – thay đổi chỗ làm việc là 25%-30% Nguyên nhân chính bắt nguồn từ thực tế mặt bằng thu nhập, tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc ở các lĩnh vực, ngành nghề và từng địa phương có nhiều cách biệt, chênh lệch.

Đặc biệt, xu hướng bỏ việc từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh đang gia tăng, trong đó nóng nhất là ngành y, giáo dục, lực lượng chuyên gia, quản lý… Do thiếu hụt nguồn tuyển lao động nên các doanh nghiệp, đơn vị đang tìm mọi cách cạnh tranh, chiêu dụ lao động của nhau. Điều này đang gây xáo trộn, bất ổn cho thị trường lao động.

Trong các buổi làm việc với lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài than phiền về rào cản thiếu hụt nguồn tuyển lao động, nhân lực có tay nghề, kỹ năng. Điều này hoàn toàn đúng nhưng để có nguồn tuyển, cần phải tạo cơ chế và chính sách bắt buộc các chủ sử dụng lao động, nhà đầu tư nước ngoài có nghĩa vụ tham gia đào tạo nghề cùng với xã hội. Chính việc sử dụng lao động “chùa” và xem nhẹ trách nhiệm nâng cao tay nghề cho công nhân lao động ở các DN cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có nghề hiện nay.

Không chỉ thiếu lao động phổ thông, nhu cầu tuyển lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao cũng rất lớn. Ảnh: Đức Trí

Không chỉ thiếu lao động phổ thông, nhu cầu tuyển lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao cũng rất lớn. Ảnh: Đức Trí

  • Tăng giá nhân công, đãi ngộ hợp lý

Để hạn chế sự biến động của thị trường lao động hiện nay, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo thị trường lao động TPHCM, nhận định: Trước mắt, các DN cần giải quyết tốt lao động nội tại bằng những chính sách đãi ngộ, chăm lo hợp lý, nếu không khó giữ chân người lao động. Giải quyết tốt bài toán cung – cầu lao động là giải quyết vấn đề giá nhân công, tái cấu trúc nhân lực, phân bổ nguồn lao động hợp lý theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Riêng TPHCM, nếu muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng tăng chất, giảm dần lao động thâm dụng là phổ thông, thiếu tay nghề. Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, TP phải tạo ra bước đột phá trong đầu tư phát triển nguồn vốn nhân lực tinh nhuệ-có trình độ chuyên môn cao, giỏi kỹ năng quản trị và thực hành…

Theo cảnh báo mới đây của GS-TS Hoàng Văn Châu thị trường nhân lực cao cấp của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng vì không đủ khả năng bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế. Thật vậy, sự chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu này sẽ làm giảm tốc độ phát triển kinh tế nói chung. Do thị trường lao động Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các vị trí quản trị cao cấp, chuyên viên kỹ thuật giỏi nghề, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang có xu hướng phải tuyển dụng nhân sự ngoại, trong đó có các nước lân cận như Trung Quốc, Singapore, Philippines…

Kinh nghiệm từ các nước phát triển, mà điển hình là các con rồng châu Á cho thấy, đầu tư bài bản và khơi thông nguồn vốn nhân lực là nhịp cầu nối với quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới nhanh và bền vững nhất. Chính vì thế, chìa khóa giải mã những bất cập của thị trường lao động chính là có giải pháp đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách đồng bộ, hiệu quả. 

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM: Muốn có sản phẩm nhân lực đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng thì DN phải chủ động đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề trong đó cần đưa ra những thông số cụ thể như ngành nghề, số lượng, trình độ, kỹ năng, tính cách, tác phong… Có như thế, sản phẩm nhân lực được đào tạo từ trình độ thấp đến cao mới đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội.

Theo tôi, để khắc phục sự “lệch pha”, khan hiếm nguồn tuyển của thị trường lao động thì DN và nhà đào tạo phải bắt tay chặt hơn, tương hỗ lẫn nhau, trong đó DN phải mở rộng cửa đón học viên, sinh viên đến thực tập, thực hành nghề. Ngoài ra, khi hoạch định chính sách phát triển với quy mô lớn hơn hoặc thay đổi công nghệ sản xuất, DN phải có kế hoạch dài hơi, đặt hàng các cơ sở đào tạo chuẩn bị nguồn lao động có trình độ tay nghề, chuyên môn, kỹ năng cao.

KHÁNH BÌNH-VIỆT THANH

Tin cùng chuyên mục