Thiên đường ảo vọng: Trường ca của khát vọng tồn tại

Mở đầu Thiên đường ảo vọng - cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Nguyễn Trí cho người đọc gặp ngay thế giới nhân vật trong Bụi vàng, đá quý, trầm hương, tập truyện ngắn được tặng giải nhất văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013.
Thiên đường ảo vọng: Trường ca của khát vọng tồn tại

Mở đầu Thiên đường ảo vọng - cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Nguyễn Trí cho người đọc gặp ngay thế giới nhân vật trong Bụi vàng, đá quý, trầm hương, tập truyện ngắn được tặng giải nhất văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013.

Tác phẩm Thiên đường ảo vọng

Bắt đầu bằng Cường “Linh” - một trong bộ tứ nhân vật sẽ “ra trò” trong cuốn sách dày 259 trang. Một vợ ba con, Cường lên khu kinh tế mới rồi trúng mánh, vì tình cờ đốn ngã một thân cây có trầm hương. Sau đó, Cường bị lừa gạt, bán rẻ, nên tức khí thọc một nhát dao vào kẻ đã lừa mình. Ngồi “bóc lịch” 3 năm, khi trở về, bà Linh - mẹ Cường tiêu hết tiền bán trầm. Vợ con Cường thất tán. Cường buồn nản, sinh tật nhậu nhẹt. Rồi Cường kết bạn với một kẻ tham gia tổ chức Bảo Long, Bảo Quốc gì đó. Bị liên lụy, ngồi tù thêm 3 năm nữa. Cuối cùng, Cường phiêu dạt lên rừng miền Đông sinh nhai bằng nghề đào vàng...

Lan man, gặp đâu nói đó nhưng cũng có cảm giác tác giả đụng chạm tới ai, chợt nhớ tới loại người nào là “dòng nham thạch” ký ức tuôn chảy không sức nào cản nổi. “Chuyện gì ra đó, rõ nét cái đi”, tác giả nói với người đọc mà cũng là nói với chính mình.

Bộ tứ tình cờ gặp nhau trong những cánh rừng miền Đông, ngoài Cường “Linh” còn có Lâm, Điệp, Bình. Mỗi người một xuất xứ, một nguồn cơn, cũng có một điểm chung “đời đen như mõm chó mực”. Hết đường sống, hết kế sinh nhai, họ kéo nhau lên một vùng rừng có tên là Suối Bến Tỷ. Đương nhiên khi họ bắt tay vào việc đào vàng, người đọc sẽ được nhìn những cận, trung, toàn, hành động, tâm lý và cả triết lý sống của họ đầy đủ hơn.

Có một nhận xét như thế này: Mẫu nhân vật “dưới đáy” như thế, xa xưa lắm chúng ta bắt gặp trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, hoặc Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Từ khi nhân vật văn học nhận trọng trách “làm chủ số phận mình, làm chủ của xã hội” tuyệt nhiên không thấy nhân vật loại này. Bước sang thời kỳ văn chương đổi mới, họ còn chưa xuất hiện hoặc xuất hiện một cách nhạt nhòa. Có nên ghi công đầu cho Nguyễn Trí không, khi với Bụi vàng, đá quý, trầm hương và bây giờ là Thiên đường ảo vọng, nhà văn đã làm cho “lớp người dưới đáy” này sống dậy.

Nhà văn không biện minh cho tội lỗi trong quá khứ của các nhân vật một cách gượng gạo, sống sít. Nhưng qua từng dòng, từng trang, vẫn là cách kể chuyện, dựng chuyện sao cho thật cuốn hút, thật sống động. Người đọc bỗng nhận ra ở một khoảng thời gian nào đó, rất xa, những Cường “Linh”, Lâm, Điệp, Bình (và còn rất nhiều tên tuổi khác trong Thiên đường ảo vọng, trong Bụi vàng, đá quý, trầm hương) cũng đã từng sống hiền lành, thiện lương như mọi người. Rồi do một cơ sự, một hoàn cảnh, khiến tai họa bỗng úp xuống đầu họ.

Từ đây, họ nhanh chóng bị gạt ra bên lề xã hội. Tìm đến những nơi ma thiêng nước độc để tìm trầm hương, tìm đá quý, tìm vàng. Đó là cung cách, phương tiện sống “không thể đừng” của họ. Bản thân số phận cũng đã đùn đẩy chính Nguyễn Trí vào hoàn cảnh ấy. Và như có phép màu, từ hiện thực ghê gớm, khốc liệt, dữ dằn kia, nhà văn đã đóng góp cho văn chương hôm nay những mẫu nhân vật mà có thể khẳng định rằng, chưa có nhà văn nào gột dựng nên.

Bỏ công là người “dấn thân” trong môi trường sống có một không hai đó, tưởng đâu như trong truyện, trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Trí chỉ bán dầu thô, vàng nguyên cũng đã quý lắm rồi. Ấy vậy mà ngòi viết của Nguyễn Trí rất điêu luyện, rất tinh lọc, biết kiềm nén để không sa đà, lại chan chứa chất tự sự, trữ tình khi phải đụng chạm tới những góc khuất lâm ly, thống thiết của nhân vật. Giọng văn, cách hành văn của anh là cách nói tưng tửng, in đậm dấu ấn Nam bộ, văn nói và văn viết đan quyện, hòa hợp với nhau rất nhuần nhuyễn, hữu cơ. Này đây: “Chao ôi cái thuở ấy. Thuở mà xăng dầu quý như máu, xe đạp còn mang biển số. Ai có đài đeo bên hông, đồng hồ đeo trên tay, xe đạp Phượng Hoàng lướt trên phố là số một… Và rừng muôn đời là nơi mà khó nghèo nương vô để sống. Chỉ sống thôi nghe, còn muốn giàu thì xin thưa, ăn của rừng rưng rưng nước mắt…”.

Nhà văn Nguyễn Trí

Một phần ba về cuối của cuốn tiểu thuyết khi khu đào vàng Suối Bến Tỷ bị “sập tiệm” bỗng như mang lại tác động xúc cảm cao hơn cho người đọc. Lâm kiên trì khuyên Cường “Linh”, Tùng hãy ra đầu thú để được nhận sự khoan hồng. Ngọc vẫn không thể nào dứt ra nổi nỗi ám ảnh của mối tình đầu với Cô Răng Khểnh. Đại Thủy ráng sức cứu Lâm… Ấy vậy lại dễ dàng nhận ra giao điểm giữa Thiên đường ảo vọng và Bụi vàng, đá quý, trầm hương qua cái vẻ hung dữ, cộc cằn, bặm trợn của các nhân vật, nhà văn Nguyễn Trí luôn biết làm phát lộ ra chất người, tình người, cái bản năng hướng thiện có từ thuở cha sinh mẹ đẻ của lớp người “dưới đáy” này. 

Không bới móc, hằn học quá vãng; cũng không đổ riệt mọi tai ương, mọi tội vạ cho cái cơ chế bao cấp một thời. Tước bỏ đi cái dữ dằn, hung tợn, lật lọng, tráo trở mang chất lưu manh, côn đồ của những Cường, Lâm, Bình, Điệp… Hãy nhìn họ một cách cảm thông, độ lượng hơn, và Thiên đường ảo vọng bỗng hé lộ ra một vỉa vàng mới: Chuyện của từng ấy trang sách sao không thể coi là một bản trường ca của khát vọng tồn tại, khát vọng ngoi lên trên mặt nước váng tù đời sống của những con người khốn khổ khi bị dồn đến bước đường cùng?

TÔ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục