Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhiều bạn đọc đã gửi đến Báo SGGP bài viết bày tỏ tình cảm kính trọng, quý mến, tri ân và tôn vinh đối với các nhà giáo.
Trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho giáo dục
Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện cảm động về các giáo viên vùng cao, vùng sâu dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề vẫn kiên trì gắn bó với trường lớp, tích cực vận động học sinh đến trường. Có những gương sáng người thầy đã được khắc họa mang tính điển hình với tất cả đặc điểm của một nghề cao quý, họ không chỉ làm nghề dạy chữ mà còn truyền thụ văn hóa, xây dựng cốt cách người Việt Nam cho các thế hệ sau.
Hiện nay, vai trò người thầy trong xã hội ít nhiều có sự thay đổi, nhưng tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn được duy trì. Dù vậy, lẽ ra người thầy phải được tôn trọng, quan tâm, chăm lo, được tạo điều kiện để phát huy hơn nữa. Ở nước ta, giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng đầu tư cho giáo dục vẫn còn hạn chế, trường lớp chật hẹp, điều kiện giảng dạy thật khó được đảm bảo. Với mặt bằng cuộc sống hiện nay, thu nhập của phần đông giáo viên khó đủ trang trải.
Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để một quan điểm lớn về giáo dục có thể đi vào cuộc sống và có tác dụng thực tế, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị cũng như sự tự thân vận động của ngành giáo dục, bản thân các giáo viên. Trong đó, nếu bản thân giáo viên không chủ động phấn đấu, rèn luyện, trau dồi về năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp thì rất khó có thể chuyển được những bất cập của ngành, rất khó thuyết phục được phụ huynh và học sinh. Câu động viên: “Mỗi thầy cô là một tấm gương sáng về đạo đức” không chỉ là khẩu hiệu, mà phải là một phương châm quan trọng của ngành giáo dục, vì người thầy chỉ có thể tạo được niềm tin từ học sinh, từ phụ huynh về những gì mình giảng thông qua thái độ, lối sống, tư cách của bản thân mình. Tức là, với sự quan tâm ngày càng lớn của nhà nước, của xã hội thì sự kỳ vọng đối với nhà giáo cũng ngày càng nhiều.
Dĩ nhiên, sự quan tâm ấy phải thiết thực, đừng bằng khẩu hiệu, đừng nói suông. Ví như, chính quyền các cấp cần định hướng, tác động nhận thức toàn xã hội, trực tiếp tháo gỡ những khó khăn cho giáo dục. Hay các bậc cha mẹ thực sự hợp tác với thầy cô, với nhà trường trong việc dạy dỗ con cái. Người thầy phải được xem trọng đúng với thiên chức của người vừa dạy chữ vừa truyền thụ văn hóa vừa là người định hình, bổ sung, phát huy yếu tố “lễ” trong mỗi người học.
NGUYỄN MINH HẢI
(quận 3, TPHCM)
Nâng cao phẩm chất, nhân cách
Hiện nay, đại đa số nhà giáo tâm huyết với nghề, làm việc tận tụy với tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, giỏi về chuyên môn. Nhờ những tấm gương sáng đó mà sự nghiệp giáo dục của nước nhà ngày càng có những bước tiến quan trọng.
Để nâng cao phẩm chất nhân cách người thầy trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng các nội dung, hình thức thiết thực, gắn với việc làm thiết thực của từng giáo viên, của tập thể đội ngũ nhà giáo, xây dựng tinh thần khát khao học tập, học tập suốt đời, xây dựng môi trường học tập tích cực làm cơ sở cho đội ngũ giáo viên học tập, rèn luyện và phấn đấu vươn lên. Đặc biệt, cần giáo dục truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, học tập những tấm gương nhà giáo mẫu mực của dân tộc trong lịch sử. Mỗi nhà giáo phải luôn có xu hướng nghề nghiệp rõ ràng: Chỉ có lòng yêu nghề, yêu người thì mới tạo nên sự hứng thú say mê trong công tác sư phạm, mới đem hết khả năng và trách nhiệm để phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Yêu nghề và yêu người trong mỗi giảng viên là sự gắn kết biện chứng. Càng yêu nghề bao nhiêu, càng thôi thúc người thầy chuyên tâm hơn trong công tác chuyên môn. Coi việc phát triển nhân cách của người học luôn là nhu cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chính bản thân mình. Lòng yêu nghề, yêu người phải được biểu hiện trong việc ra sức học tập để không ngừng nâng cao trình độ và khả năng sư phạm, không thỏa mãn, dừng lại với những gì mình đã có. Tình yêu nghề nghiệp và con người là cơ sở để người giảng viên có khát vọng vươn lên tự hoàn thiện năng lực sư phạm.
Ngoài ra, thầy cô giáo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất. Tập trung hình thành năng lực và kỹ năng giải quyết vấn đề cho người học trong dạy học. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học hướng vào người học; tích cực đổi mới, cải tiến phương tiện dạy học đảm bảo tính khoa học và hiện đại. Thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Tóm lại, xã hội nào cũng vậy, người thầy luôn được mọi người kính trọng và tin yêu. Chính vì vậy, người thầy phải luôn có ý thức rèn đức - luyện tài, tự tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, sai trái trong giáo dục. Tự mình phấn đấu trở thành nhà giáo tốt, phải thực sự là hình ảnh phản chiếu, mẫu mực nhất đến người học.
PHƯƠNG LAN
(TP Biên Hòa, Đồng Nai)