Thiếu đất đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường

Ngày 17-8, HĐND TPHCM đã họp về việc đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM. Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết để mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại TP có khả năng đáp ứng được công tác đánh giá hiện trạng, diễn biến, cảnh báo chất lượng môi trường một cách toàn diện, phù hợp với tình hình thực tiễn và sự phát triển của TP trong giai đoạn 2016 - 2020, cần thiết phải có gần 500 tỷ đồng để đầu tư với 72 trạm quan trắc.

(SGGP).- Ngày 17-8, HĐND TPHCM đã họp về việc đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM. Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết để mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại TP có khả năng đáp ứng được công tác đánh giá hiện trạng, diễn biến, cảnh báo chất lượng môi trường một cách toàn diện, phù hợp với tình hình thực tiễn và sự phát triển của TP trong giai đoạn 2016 - 2020, cần thiết phải có gần 500 tỷ đồng để đầu tư với 72 trạm quan trắc.

Cụ thể, đối với quan trắc không khí là 22 trạm, nước mặt 10 trạm, nước dưới đất 31 trạm, lún mặt đất là 11 trạm. Hiện sở đã tiến hành khảo sát và xác định 72 điểm lắp đặt trạm. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là không có diện tích đất để xây dựng trạm quan trắc. Ngay đối với diện tích đất của 10 trạm quan trắc tự động vốn đã bị hư hỏng từ năm 2003 đến nay thì nhiều địa điểm là mượn của các đơn vị. Cho đến nay, một số đơn vị cũng đã có thông báo không cho mượn đất tiếp do đã có kế hoạch xây dựng như Thảo Cầm Viên, Viện Kỹ thuật nhiệt và một số điểm quan trắc khác đang mượn đất của dân… Riêng một số địa điểm quan trắc nước dưới đất đã xảy ra tình trạng bị người dân tranh chấp, xâm lấn đất, thậm chí sở phải di dời các trạm đi nơi khác, gây ảnh hưởng đến bộ số liệu quan trắc và tài sản do các hệ thống này không thể di dời.

Để có thể kiểm soát hiệu quả chất lượng môi trường TP trong thời gian tới, cung cấp số liệu để đánh giá tác động do hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, giao thông... góp phần phục vụ công tác quản lý môi trường cũng như triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án thuộc chương trình giảm ô nhiễm môi trường, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, TP cần sớm có chủ trương về xác lập chủ quyền cho các trạm quan trắc các thành phần môi trường tại một số địa điểm thuộc phạm vi đất công (nằm trong khuôn viên các sở, ban, ngành, các khu vực lộ giới đường giao thông, đường sông); có cơ chế và kinh phí hỗ trợ đền bù cho các trạm quan trắc các thành phần môi trường tại một số điểm thuộc phạm vi đất của người dân (hỗ trợ đền bù hoa màu, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm…).

Về vốn đầu tư, TP nên xem xét cho phép huy động các nguồn tài trợ để đầu tư bổ sung 9 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí; đầu tư trang thiết bị để phổ biến số liệu quan trắc môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm thông tin một cách trực quan đến người dân thành phố về tình hình chất lượng môi trường không khí và nước; phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và các hành động thiết thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm đến môi trường, cũng như dự án thống kê các nguồn thải trên địa bàn TP nhằm kết hợp với các số liệu quan trắc định kỳ; từ đó dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường của TP.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục