Thiếu nhạc trưởng?

Giới đầu tư bất động sản (BĐS) gần đây râm ran chỉ nhau cách làm ăn mới: Chạy ra các khu vực còn nhiều đất đai như Nhà Bè, quận 9, tìm mua những thửa đất nhỏ, từ đất nông nghiệp xin tách thửa, sau đó “chạy” thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tiến hành san ủi mặt bằng, làm đường nhựa rồi… phân lô bán nền; hoặc phân lô xây nhà hàng loạt, bán giá rẻ. Giá phổ biến của một nền đất trên dưới 50m²chỉ vài trăm triệu đồng; căn nhà 1 trệt, 1 lầu trên dưới 600 triệu đồng! Một mức giá rất phù hợp với người dân TP thu nhập trung bình. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu đó là những dự án xây dựng phù hợp quy hoạch, chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng, người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà giá rẻ để an cư.

Tuy nhiên, vì đây là những dự án mini do các nhà đầu tư nhỏ tự “sáng kiến” quy hoạch, không ít nền đất sang tay xong, người mua đi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng mới “bật ngửa” vì đây là khu đất lấp rạch hoặc lấn đường sai quy hoạch nên không được xây nhà! Một số nhà đầu tư liều lĩnh (hay lừa đảo) còn bán cho người mua những căn nhà mới cực rẻ… nhưng là giấy tay, hoặc nhà thuộc đất quy hoạch công trình công cộng nên không được cấp giấy chủ quyền và trong tương lai có nguy cơ bị đập bỏ!

Dư luận vẫn chưa quên câu chuyện hàng trăm ngôi nhà xây dựng không phép ở quận 12, Bình Tân, Bình Chánh… bị dỡ bỏ cách đây chưa lâu, giờ lại rộ lên “mô hình” những khu dân cư mini có cấp phép hẳn hoi nhưng vào ở thì không làm được chủ quyền hoặc có nguy cơ bị tháo dỡ… Ngay những khu dân cư mini đã hoàn tất thủ tục, với kiểu mở đường tạm để bán, nên nhỏ, hẹp; nhà thì xây dựng hàng loạt diện tích đất trên dưới 30m2, điện, nước xài chung qua các “đầu nậu”, không có hạ tầng sinh hoạt tối thiểu… Đây sẽ là những khu ổ chuột mới tại ngoại thành TP.

Khác hẳn câu chuyện nhà trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ trước đây, vấn đề là những khu dân cư mini này có giấy phép hẳn hoi. Vì sao họ xây dựng lấn cả vào phần đất không phép, hay lấp cả con rạch để phân lô bán nền… mà cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cơ quan cấp phép đều không biết? Dù là mini nhưng mỗi “tiểu dự án” này có từ 5-10 nền hoặc nhà nhỏ 1 trệt 1 lầu, to hơn một con voi mà vẫn “chui” lọt qua tầm giám sát của cơ quan công quyền?

Một sự kiện “nóng” khác trên thị trường BĐS gần đây, đó là sự ra mắt ồ ạt các dự án căn hộ cao cấp, được đầu tư san sát nhau trong khu vực cửa ngõ chính ra vào sân bay. Chỉ trên một trục đường Phổ Quang nối đến sát Công viên Gia Định, có thể đếm không dưới 5 dự án căn hộ, sức chứa mỗi dự án vài ngàn người, mọc nối liền nhau, được quảng cáo ầm ĩ là “thời cơ có một không hai cho những ai muốn đầu tư BĐS sân bay…”.

Trên góc độ quy hoạch, dù là người dân bình thường cũng thấy đầy lo ngại, khi mà lòng đường Phổ Quang chỉ có 2 làn xe, rộng tầm 10m, cấu tạo con đường rất quanh co, nhiều khúc uốn cong… bất thường, khuất tầm nhìn. Ngày thường đây đã là trọng điểm ùn tắc giao thông, vào giờ cao điểm phải nhích từng bước. Khi 5 dự án căn hộ hạng sang này hình thành, còn đường nào để… lưu thông?

Hai câu chuyện trên buộc phải đặt câu hỏi, chúng ta đang thiếu hay chưa có nhạc trưởng quy hoạch xây dựng? Các khảo sát gần đây cho thấy khu vực hướng Tây, Tây Nam TP tốc độ tăng dân số bình quân 11,6%/năm; khu  Nam và Đông TP là 6%/năm, có nghĩa là nhu cầu về nhà ở hàng năm cũng tăng tỷ lệ thuận. Đặc biệt, nhu cầu về nhà cho người thu nhập trung bình, nhà ở xã hội rất cao, nhưng các dự án cho thành phần này có sự đầu tư của Nhà nước còn rất… hiếm hoi.

Từ đây dẫn đến hệ lụy: ít tiền mua nhà giá rẻ còn bị lừa! Nghịch lý là TP thiếu trầm trọng lượng nhà ở xã hội so với nhu cầu, nhưng nguồn nhà phục vụ tái định cư lại đang trong tình trạng: dư quỹ nhà, căn hộ xây xong bỏ không! Chỉ riêng quỹ nhà tái định cư Thủ Thiêm lên đến 12.500 căn nhưng quận 2 chỉ có nhu cầu sử dụng khoảng 3.000 căn. Bình Chánh còn 1.000 căn chờ chủ nhà, quận 8 trên 400 căn xây xong nằm chờ… Vì sao không chuyển nguồn nhà đang bỏ trống này sang phục vụ nhà ở xã hội, được mua trả góp dài hạn cho dân? 

Quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng là khâu quan trọng nhất với một TP lớn như TPHCM. Bàn tay quy hoạch sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa đi các bất cập trong quá trình phát triển như giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập, hình thành TP xanh; mọi người dân có đóng góp cho TP có thể tiếp cận các dự án nhà ở vừa tầm để an cư… Vậy nhưng nhạc trưởng quy hoạch đang ở đâu khi các dự án ổ chuột mới vẫn hình thành và vẫn có giấy phép? Tầm nhìn nhà quy hoạch ở đâu khi các dự án cao ốc cứ mọc lên hàng loạt trên những trục đường vốn hẹp lối ra và thường xuyên ùn tắc?

Điều cần nhớ là chúng ta đã “trả giá” cho những bài học này, từ lấp kênh thành đường, khu đô thị rồi lại nạo vét trả lại kênh vì nước thiếu đường thoát…; giải quyết ùn tắc, giải bài toán “Nhà mọc trước hạ tầng đi sau”  bằng tiếp tục giải tỏa để mở đường, làm đường trên cao… tốn hàng ngàn tỷ đồng… Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những bất cập này? Đừng để những vấn nạn này kéo dài và người dân do nhu cầu an cư sẽ phải xoay xở mọi cách để tồn tại.

SONG ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục