Thiếu quyết liệt, tăng nguy cơ

Chỉ tính riêng trong năm 2017, tại TPHCM xảy ra 23 vụ cháy lớn, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại tài sản hơn 92 tỷ đồng, đa số các vụ cháy này đều xảy ra ở nhà ở kết hợp kinh doanh.
Tiệm tóc nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: CHÍ THẠCH
Tiệm tóc nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: CHÍ THẠCH
 Rạng sáng qua 28-2, tại tiệm làm tóc Nữ Kiều trên đường Trần Thị Bảy (phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) xảy ra cháy lớn làm 2 người tử vong. Vụ cháy này một lần nữa cho thấy nguy cơ và hậu quả để lại từ các vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh đang rất đáng lo ngại và báo động. Trước đó, TPHCM từng xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh gây chết người, điển hình như vụ cháy nhà ở kết hợp làm cửa hàng áo cưới tại quận 12 vào tháng 10-2016, làm chết 3 người. Vụ khác, vào tháng 3-2017, căn nhà vừa ở vừa làm trại hòm trên tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) cũng xảy ra cháy khiến 4 người trong nhà tử vong. 
Sau hàng loạt vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra, các cấp chính quyền và ngành chức năng của thành phố đã khảo sát thực tế từng địa bàn để nắm tình hình, họp bàn, phân tích nguyên nhân từng vụ cháy và triển khai nhiều giải pháp căn cơ nhằm kéo giảm nguy cơ, cũng như hạn chế hậu quả để lại từ các vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh. Thế nhưng, đến nay trên thực tế, hiệu quả từ các giải pháp vẫn chưa được phát huy, ý thức của một bộ phận lớn người dân, nhất là chủ các cơ sở sử dụng nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn chưa được nâng cao; các tồn tại, vi phạm về PCCC trong sinh hoạt, kinh doanh vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên.
Chưa kể, việc triển khai các giải pháp phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh của chính quyền, ngành chức năng ở một số nơi chưa đồng bộ, quyết liệt, thậm chí có địa phương chỉ “làm cho có” hoặc bỏ lửng. Tồn tại lớn nhất trong công tác phòng cháy hiện nay đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là đối tượng này không thuộc quản lý của Cảnh sát PCCC, ít chịu sự kiểm tra, giám sát; do đó các tồn tại, vi phạm không được phát hiện nhắc nhở, khắc phục kịp thời. Vì không được nhắc nhở thường xuyên, không được răn đe nên ý thức PCCC của không ít chủ cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người dân bị “lờn”, dẫn đến vi phạm, tồn tại trong PCCC ngày càng phát sinh nhiều và nghiêm trọng hơn, làm gia tăng nguy cơ cháy. 
Để nâng cao hiệu quả trong việc PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, từ cuối năm 2016, UBND TPHCM đã nhiều lần yêu cầu Cảnh sát PCCC phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan (Sở Xây dựng - Tư pháp - UBND các quận, huyện) tham mưu để UBND TP ban hành văn bản quy định cụ thể về quản lý, xử lý các vi phạm về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, chỉ đạo của thành phố vẫn chưa có kết quả. Thực tế trên cho thấy, phần lớn các giải pháp kéo giảm cháy nổ ở nhà ở kết hợp kinh doanh thời gian qua chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả không cao. Trong khi đó, nguy cơ và số vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh đã và đang gia tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, tại TPHCM xảy ra 23 vụ cháy lớn, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại tài sản hơn 92 tỷ đồng, đa số các vụ cháy này đều xảy ra ở nhà ở kết hợp kinh doanh.
Thiết nghĩ, ngay lúc này, các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng thành phố cần quyết liệt hơn trong từng giải pháp, đặc biệt cần sớm có quy định cụ thể trong quản lý, xử lý vi phạm PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Bởi lẽ, một khi các giải pháp còn thiếu quyết liệt, vi phạm hẳn còn phát sinh nhiều, nguy cơ cháy càng tăng cao và sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Tin cùng chuyên mục