5 tỷ đồng thu được từ việc cho quảng cáo trên các rào chắn tại công trường thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cho thấy, nếu biết tính toán, chắt chiu và biết kêu gọi xã hội hóa đúng nơi, đúng chỗ, có thể thu được một khoản tiền không nhỏ, hút được nội lực của cộng đồng trong việc phát triển thành phố.
Tuy nhiên, nói như trên đối với nhiều lĩnh vực có thể là chuyện thừa vì họ đã làm khá tốt công tác xã hội hóa. Cứ nhìn nhiều công viên trong khu vực nội thành TPHCM, tại đây có rất nhiều chiếc ghế đẹp được các doanh nghiệp đầu tư và tặng cho thành phố. Sau khi đi bộ thư giãn, người dân thành phố có thể ngồi nghỉ thật thoải mái trên những chiếc ghế này. Hay như việc có nhiều doanh nghiệp tài trợ cho thành phố gắn đèn, làm đường hoa… trong dịp Tết Bính Thân vừa qua.
Thế nhưng, không hiểu sao trong việc đầu tư lắp đặt thùng rác, ngành chức năng lại chưa mở rộng cửa đón các nhà đầu tư. Theo Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM, việc đầu tư lắp đặt thùng rác tại những nơi công cộng chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp công ích, sử dụng nguồn vốn nhà nước để làm. Tại sao như vậy? Không ai có câu trả lời thỏa đáng. Có lẽ đã đến lúc ngành vệ sinh môi trường “ngó qua” các ngành khác, để có chủ trương hợp lý, hiệu quả trong việc đầu tư lắp đặt thùng rác. Bởi lẽ như Văn phòng Biến đổi khí hậu cho hay, một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến tình trạng rác vứt bừa bãi là thiếu thùng rác.
SƠN LAM