Thị trường vàng TPHCM: Vẫn chỉ là đầu cơ

Đảo chiều, dân đổ xô mua vàng
Thị trường vàng TPHCM: Vẫn chỉ là đầu cơ

Sau đợt rớt giá đến cả triệu đồng/lượng của vàng SJC vào chiều ngày 22-11, sáng ngày 23-11, vàng SJC lại tiếp tục hạ thêm 50.000 đồng/lượng, ở mức 44,5 triệu đồng/lượng bán ra vào khoảng 9 giờ sáng. Với mức giá này, sự chênh lệch của giá vàng trong nước với thế giới chỉ còn khoảng 800.000 đồng/lượng. Điều này cho thấy việc thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về dự thảo Nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng đã có một kết quả tích cực sau một thời gian thị trường vàng xuất hiện tình trạng “vàng hai giá”.

Giao dịch vàng miếng tại Công ty SJC. Ảnh: Thanh Tâm

Giao dịch vàng miếng tại Công ty SJC. Ảnh: Thanh Tâm

Đảo chiều, dân đổ xô mua vàng

Với phiên hạ giá này của SJC đã tạo ra một sự đảo chiều, đó là vàng SJC có giá thấp hơn so với các thương hiệu vàng khác từ 300 - 400 ngàn đồng/lượng trong khi bình thường, giá vàng SJC luôn có giá cao hơn. Chính vì thế, sáng 23-11, hàng trăm người dân đã xếp hàng rồng rắn tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để mua vàng.

Những người xếp hàng mua vàng tại Công ty SJC cho biết, thấy giá vàng hạ nên mua vào chờ lên giá bán lấy chênh lệch. Anh Nguyễn Trung Hiếu, ngụ tại đường Điện Biên Phủ, quận 3 đội nắng hơn 2 giờ đồng hồ tại Công ty SJC để mua 5 lượng vàng vì anh cho rằng đã “bắt đáy” sau một thời gian dài theo dõi.

Chị Huyền Thoại, nhà ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cũng xếp hàng chờ ở Công ty SJC hơn 1 giờ đồng để được mua 10 lượng vàng. Lý giải nguyên nhân chọn SJC mà không chọn sản phẩm vàng miếng khác, chị Thoại cho biết, SJC luôn bán đúng giá niêm yết chứ không như các tiệm vàng tư nhân bên ngoài.

Còn anh Nguyễn Ngọc Hoàng, ngụ tại đường D5, quận Bình Thạnh cũng xếp hàng mua 6 lượng vàng vì: “Bất động sản xuống giá quá nên hết thời làm ăn rồi, còn chứng khoán mất công theo dõi, gửi tiền ngân hàng lời ít nên chỉ còn cách dồn vốn vào vàng, chờ giá lên bán ra, giá xuống thì mua vào, 2 năm qua lướt sóng kiểu này tôi lời nhiều hơn lỗ” - anh Hoàng cho hay.

Trái ngược với không khí sôi sục mua bán vàng tại SJC, các đơn vị kinh doanh những thương hiệu vàng khác cho biết giao dịch sáng nay rất chậm. Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Vàng Sacombank-SBJ cho hay, sau những thông tin về dự thảo, có thể trong tương lai chỉ còn mỗi SJC được sản xuất vàng miếng nên mọi nhu cầu vàng hiện chỉ chú ý vào SJC. Do đó, dù hiện giờ vàng SBJ có giá ngang ngửa với SJC và về sát với giá thế giới nhưng sức mua rất yếu. Bà Chi cho biết, trong 3 ngày qua tại hệ thống SBJ lượng vàng bán ra chỉ đạt trên dưới 1.000 lượng/ngày, giảm 3 đến 5 lần so với trước đây. Riêng trong ngày hôm nay cũng không có nhiều biến động.

Ghi nhận tại một số cửa hàng bán lẻ ở khu vực chợ Bàn Cờ quận 3 và quận Bình Thạnh, số lượng khách hàng mua vàng không tăng nhiều. “Số lượng người mua hôm nay có tăng chút ít so với ngày thường chứ không có biến động, tuy nhiên hôm nay chỉ có khách mua vào chứ lại không bán ra” - một chủ tiệm vàng trước chợ Bàn Cờ quận 3 cho biết.

Sáng giảm, chiều tăng

Ngày 23-11 là một ngày giá vàng liên tục biến động và biến động phức tạp. Sau buổi sáng hạ giá, đến khoảng 13 giờ, giá vàng SJC bắt đầu tăng trở lại ở mức 45 triệu đồng – 45,1 triệu đồng/lượng. Và đến thời điểm này, giá vàng SJC đã bằng thậm chí qua mặt các loại vàng khác so với buổi sáng. Đến cuối giờ chiều, Công ty SJC niêm yết giá tại thị trường TPHCM ở mức 44,5 triệu đồng/lượng và 44,8 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra), tăng 300.000 đồng mỗi lượng so với giá thấp nhất vào buổi sáng. Như vậy, vàng SJC giảm giá chỉ trong một thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng SJC cho biết, tính đến 16 giờ 30 chiều 23-11, tổng lượng vàng Công ty SJC bán ra là 8.000 lượng, tăng gấp 3 lần so với ngày thường, sức mua mạnh lên từ đầu giờ và cho đến cuối giờ. Trong khi đó giao dịch mua vào hầu như không có. Giải thích việc người dân ồ ạt xếp hàng tại Công ty SJC để mua vàng, ông Tường cho rằng, các cửa hàng kinh doanh vàng SJC luôn mở cửa và mua bán đúng giá niêm yết, không có hiện tượng găm hàng, làm giá.

Hạnh Nhung - Mai Thi


Mua vàng tại ngân hàng không được mang về

Vừa có một khoản tiền dư từ kinh doanh, chị Hương Thy (quận Thủ Đức) thấy giá vàng hạ nên đến Ngân hàng ACB mua vàng để dành. Tại hội sở ACB, chị được nhân viên ngân hàng này thông báo khách hàng mua vàng tại Ngân hàng ACB (kể cả vàng ACB và SJC) phải mua ít nhất 10 chỉ và phải gửi lại ngân hàng với kỳ hạn 3 tháng. Thắc mắc của chị Thi về việc tại sao mua vàng bên ngoài được mang về mà Ngân hàng ACB lại bắt gửi lại với kỳ hạn đến 3 tháng, trong khi đó gửi vàng thì không được rút trước hạn, nhân viên tại đây giải thích rằng đây là quy định của ngân hàng từ 8 giờ 30 phút ngày 23-11.

“Tùy thuộc vào từng thời điểm, ngân hàng sẽ quyết định có cho khách mua vàng cầm về hay không. Hôm nay thị trường vàng nhiều biến động nên khách đến mua sẽ không được mang vàng về mà phải gửi lại. Cũng có thể ngày mai khi thị trường ổn định, khách có thể mua và mang về như thường ngày” - nhân viên này giải thích thêm.

Tương tự, các ngân hàng được bán vàng bình ổn giá như Đông Á cũng yêu cầu khách hàng mua trên 5 lượng vàng và cũng phải gửi lại. Ngân hàng Techcombank cũng yêu cầu khách hàng gửi lại khi mua vàng tại ngân hàng với kỳ hạn 1 tháng, nếu rút trước kỳ hạn thì phải bán lại cho ngân hàng.

N.Ng.

Tin cùng chuyên mục