Thờ ơ đội nón bảo hiểm cho trẻ

Phụ huynh chủ quan
Thờ ơ đội nón bảo hiểm cho trẻ

Mặc dù đã có quy định về việc đội nón bảo hiểm (NBH) cho trẻ em khi đi xe máy và các trường thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo, nhắc nhở học sinh về việc này, nhưng hiện nay tại TPHCM vẫn còn rất nhiều phụ huynh thờ ơ, không đội NBH cho con khi chở con bằng xe máy.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 7) không đội NBH khi được phụ huynh đưa đi học bằng xe máy.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 7) không đội NBH khi được phụ huynh đưa đi học bằng xe máy.

Phụ huynh chủ quan

Bạn đọc Đỗ Quốc Đông (ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) phản ánh: “Nhà tôi ở gần Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, hàng ngày tôi thấy rất nhiều học sinh trường này không đội NBH khi được phụ huynh đưa rước bằng xe máy. Nhìn những phụ huynh chở con để đầu trần khi tham gia giao thông, tôi không hiểu sao họ lại coi thường tính mạng của con mình đến vậy. Dù trước cổng trường có treo tấm băng rôn tuyên truyền việc trẻ em đội NBH, nhưng dường như không có tác động nào đến các phụ huynh này”.

Từ phản ánh của bạn đọc, PV đã có vài ngày quan sát ở cổng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, và ghi nhận đúng là có rất đông học sinh của trường này không đội NBH khi đi xe máy. Có phụ huynh cũng mang theo NBH cho con, nhưng chỉ khi thấy có CSGT mới cho con đội.

Quan sát tại cổng các trường tiểu học: Hàm Tử (quận 5), Nguyễn Thái Học (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (quận 2), Nguyễn Đình Chinh (Bình Thạnh)…, cũng thấy rất đông học sinh không đội NBH khi được cha mẹ chở bằng xe máy. Để biện hộ cho việc không đội NBH cho trẻ, người lớn thường đưa ra nhiều lý do như: quên, nhà gần nên thấy không cần thiết phải đội NBH, sợ con bị vướng víu khó chịu, trong lớp không có nơi để NBH.

Một số phụ huynh viện lý do lo lắng trẻ có thể bị ảnh hưởng đốt sống cổ khi đội NBH, trong khi các chuyên gia y tế đã khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy đội NBH (đảm bảo chất lượng và chỉ số kỹ thuật) có thể gây ảnh hưởng tới đốt sống cổ của trẻ.

Một phụ huynh có con học lớp 3 tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) giải thích về việc không đội NBH cho con: “Sáng ba chở đi học, chiều mẹ đón con, nên nếu ba và mẹ đều phải mang theo NBH cho con thì rất bất tiện; còn đưa con cầm NBH vào lớp thì không có chỗ để. Với lại báo chí cứ hù người dân, chứ có thấy CSGT phạt đối với ai đi xe máy chở trẻ em không đội NBH đâu!”.

Trong khi bản thân các học sinh chưa nhận thức và chưa tự chịu trách nhiệm đầy đủ về hành vi của mình, các phụ huynh lại thờ ơ, nên quy định về việc trẻ em phải đội NBH khi đi xe máy đã không được tuân thủ nghiêm túc sau 3 năm có hiệu lực thi hành.

Xây dựng nền nếp đội NBH

Cô Trần Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 7) khẳng định: “Khi được ba mẹ đưa rước, học sinh của Trường Trần Quốc Toản đều đội NBH”. Tuy nhiên khi chúng tôi cho hay đã chụp nhiều hình ảnh thể hiện nhiều học sinh của trường này không đội NBH khi đi xe máy trên đường đi học và về nhà thì cô Phượng phân trần: “Chúng tôi chỉ giáo dục học sinh trong các bài học, trong giờ chào cờ, còn học sinh có đội NBH khi đi xe máy hay không là chuyện ở bên ngoài trường, do ý thức của phụ huynh, nên chúng tôi không can thiệp được”.

Tất nhiên, việc học sinh không đội NBH không phải trách nhiệm của riêng nhà trường, nhưng nhà trường cũng cần nắm rõ để có hướng tuyên truyền sâu rộng và thuyết phục hơn.

Thừa nhận nhiều học sinh trường mình vẫn không đội NBH khi đi xe máy, cô Đặng Thi Khả, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Tử, cho biết: “Nhiều phụ huynh chủ quan cho rằng nhà gần trường nên không cần thiết đội NBH cho trẻ. Nhà trường đã quan tâm thực hiện các hoạt động tuyên truyền đối với cả phụ huynh và học sinh, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tuyên truyền như hiện nay thì hiệu quả không thể cao, vì chưa tác động sâu vào ý thức của phụ huynh. Nếu các trường cùng đưa vấn đề này vào nội quy trường học, có chế tài cụ thể, sẽ hiệu quả hơn”.

Hiện hầu hết các trường đều thực hiện công tác tuyên truyền đội NBH theo lối mòn, nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Nhiều hiệu trưởng của các trường tiểu học cho rằng Sở GD-ĐT TPHCM nên có chỉ đạo cụ thể hơn, cứng rắn hơn để có sự hợp tác tích cực từ phía phụ huynh.

Cụ thể như: Quy định NBH là một phần thiết yếu của bộ đồng phục, từ đó buộc các học sinh được phụ huynh đưa rước bằng xe máy phải đội NBH; yêu cầu các trường lắp kệ đặt, móc treo NBH để học sinh không thấy bất tiện khi đội NBH đến trường...

Cùng với việc ngành giáo dục nhắc nhở, vận động học sinh đội NBH khi đi xe máy, CSGT cần thực thi chế tài, không tiếp tục nhân nhượng cho những phụ huynh thiếu ý thức bảo vệ an toàn cho con mình khi tham gia giao thông, buộc các phụ huynh quan tâm tuân thủ quy định về việc cho trẻ em đội NBH khi đi xe máy.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục