Thoát nghèo nhờ Quỹ CEP

Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) là tổ chức tài chính vi mô phi lợi nhuận nhằm cải thiện cuộc sống cho người nghèo. Hiện tại, CEP đang hỗ trợ vốn cho gần 200.000 lao động nghèo giúp họ tự tạo việc làm, tăng thu nhập và nhiều người trong số đó đã thoát nghèo…
Thoát nghèo nhờ Quỹ CEP

Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) là tổ chức tài chính vi mô phi lợi nhuận nhằm cải thiện cuộc sống cho người nghèo. Hiện tại, CEP đang hỗ trợ vốn cho gần 200.000 lao động nghèo giúp họ tự tạo việc làm, tăng thu nhập và nhiều người trong số đó đã thoát nghèo…

Gia đình bà Võ Thị Kim Liên ngụ ấp 3, xã Tân Nhựt đã thoát nghèo nhờ Quỹ CEP.

Gia đình bà Võ Thị Kim Liên ngụ ấp 3, xã Tân Nhựt đã thoát nghèo nhờ Quỹ CEP.

1. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - TPHCM,  chị Huỳnh Thị Thu Xương lấy chồng cùng xã và có 2 mặt con. Không đất để canh tác nên chị phải thuê ruộng để làm ăn sinh sống.

Năm 1998, Quỹ CEP triển khai ở xã và lần đầu tiên chị vay được 700.000 đồng để mua giống, phân bón… Từ đấy, mỗi năm chị làm 2 vụ lúa, ngoài số lúa trả cho chủ ruộng và để ăn, còn dư chị bán lo chi tiêu cho gia đình. Ngoài thời gian làm ruộng, vợ chồng chị còn làm thuê để hoàn trả vốn vay, nuôi con ăn học.

Bất hạnh lớn đến khi vào năm 2007, chồng chị chết do tai nạn giao thông, để lại 2 đứa con nhỏ. Mất đi trụ cột gia đình, các con chị đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. Lúc đó, để việc học của các cháu không bị gián đoạn, Chi nhánh CEP Bình Chánh đã kịp thời hỗ trợ con chị bút, tập và một chiếc xe đạp làm phương tiện. Hàng năm, các con chị đều được Quỹ CEP hỗ trợ học bổng để tiếp tục đi học. Không lâu sau ngày chồng mất, gia đình chồng bán căn nhà ba mẹ con chị đang ở. Khó khăn lại tiếp tục đè lên vai chị. Với số tiền gia đình chồng cho, ba mẹ con tìm mua được một miếng đất nhỏ, cất căn nhà tạm bợ để ở.

Dù khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng hoàn trả tốt cả vốn lẫn lãi cho quỹ và tiếp tục vay. “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ CEP, hai đứa con tôi không phải bỏ học. Thằng lớn hiện là sinh viên Trường Kỹ thuật Cao Thắng, con gái đang học lớp 12. Kinh tế gia đình hiện đã ổn định hơn”, chị Xương phấn khởi.

2. Bà Võ Thị Kim Liên ngụ ấp 3, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, một mình phải nuôi mẹ già, chồng bệnh và 8 đứa con, trong đó có 6 đứa đang tuổi ăn học. Lúc trước bà làm nghề bán nhái cho những người đi câu.

Bà kể: “Năm 1994, Quỹ CEP về tới Tân Nhựt, tôi được vay 500.000 đồng. Có vốn, cứ tầm 3 giờ sáng, tôi đạp xe ra chợ Bình Chánh lấy nhái về bán. Lãi thu được tôi dành một phần để bổ sung vốn buôn bán vừa để trả nợ vay. Cứ vậy chỉ sau 3 lần vay, tôi đã hoàn toàn chủ động về vốn buôn bán”. Đến lần vay thứ 4, bà xin vay 2 triệu đồng để sửa chữa lại căn nhà cũ đang dột nát, thay mái lá mới. Rồi những lần vay tiếp theo, khi khách mua nhái ít dần, bà chuyển sang vay vốn bán tạp hóa.

“Năm 2008, tôi được vay 8 triệu đồng để vừa làm vốn buôn bán tạp hóa vừa nuôi 5 con heo thịt. Bán lứa heo này, tôi làm được cái móng nhà, chuẩn bị xây tường. Đợt vay tiếp theo năm 2009, Chi nhánh CEP Bình Chánh cho vay 10 triệu đồng, cộng với khoản hỗ trợ từ Hội LHPN huyện, tôi đã hoàn chỉnh ngôi nhà mái tôn. Và sau mỗi đợt vay, phần lãi tôi lại mua sắm đồ đạc như tivi, tủ lạnh, tủ giường, bàn ghế…”, bà khoe.

Sau 17 năm đồng hành với Quỹ CEP, với tính cần kiệm, chịu khó và biết tính toán, đến nay bà Liên đã vượt qua cái nghèo bằng chính nghị lực của bản thân. Các con của bà cũng đã lập gia đình, có nhà riêng và công việc ổn định. Năm nay, Quỹ CEP tiếp tục cho bà vay 15 triệu đồng, bà vừa hỗ trợ cô con út 10 triệu đồng để mở điểm bán sim, card điện thoại…

3. Với chị Tạ Thị Mai, ấp 2 xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, trước khi tham gia Quỹ CEP, chị Mai làm nghề buôn bán rau, quả nuôi ba cô con gái đang tuổi ăn tuổi học. Cuộc sống lại càng khó khăn hơn khi chồng chị bị bệnh gan và cột sống. Gia đình 5 miệng ăn trông cả vào gánh hàng của chị. Vốn ít, chủ yếu là đi mượn nên thu nhập hàng tháng không được là bao. Năm 2007, chị được giới thiệu vay vốn của Chi nhánh CEP Bình Chánh. Lần đầu chị vay 3 triệu đồng, sau đó được tăng dần. Có vốn, chị mua thêm hàng về bán, rồi dành dụm tiền lãi thu được để hoàn trả cho CEP và chăm lo sinh hoạt trong gia đình.

Năm 2010, chị được giới thiệu vào làm nhân viên tạp vụ ở trường học với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng. Cứ 4 giờ sáng, chồng chị lại đạp xe đến trường phụ chị quét dọn trước, chị lo cơm nước cho 3 đứa con và đến sau. Tranh thủ buổi trưa và buổi tối khi xong việc ở trường, chị chạy đi lấy hàng, khi thì chuối chiên, khi thì bánh tét, bánh ú bán cho công nhân tan ca để kiếm thêm thu nhập. “Nhờ có Quỹ CEP hỗ trợ vốn, học bổng mà tôi có được việc làm, các con tôi được đi học. Mong rằng sẽ có nhiều người nghèo được trợ vốn để vượt qua khó khăn như tôi”, chị Mai chia sẻ.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục