Thoi thóp trường nghề. Bài 2: Đổi mới căn bản hệ thống dạy nghề

Lượng tăng nhưng chất yếu
Thoi thóp trường nghề. Bài 2: Đổi mới căn bản hệ thống dạy nghề

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta thiếu thống nhất, quản lý chồng chéo, nguồn lực đầu tư manh mún, phân tán… đã tạo ra cỗ máy dạy nghề yếu đuối, không đủ sức cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ kỹ thuật, kỹ năng cao. Thiếu nguồn lực này thì chúng ta không thể cạnh tranh phát triển và hội nhập quốc tế.

Học sinh chọn học ngành cơ khí ở các trường nghề ngày càng ít.

Học sinh chọn học ngành cơ khí ở các trường nghề ngày càng ít.

Lượng tăng nhưng chất yếu

Những năm gần đây mạng lưới cơ sở đào tạo nghề thuộc hai Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH quản lý phát triển với tốc độ khá nhanh. Ngoài mạng lưới hàng ngàn trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp (CĐ, TCN, TCCN) còn có 870 trung tâm dạy nghề thường xuyên phủ kín cả nước. Thế nhưng, nhìn vào bức tranh giáo dục nghề nghiệp này, dễ thấy số lượng trường nghề đông nhưng chất lượng đào tạo, hiệu suất đào tạo thấp. Trừ tỷ lệ nhỏ các trường CĐ, TCN, TCCN được đầu tư bài bản, tạo môi trường học nghề tốt, học viên được thực hành nhiều, chất lượng đào tạo nghề đảm bảo, còn lại số đông trường nghề, trung tâm dạy nghề đầu tư xây dựng tràn lan, trông hoành tráng nhưng chỉ có cái “vỏ”, còn ruột thì rỗng tuếch.

Có nhiều nơi, “vỏ” xây xong nhiều năm nhưng không có kinh phí đầu tư nên các cơ sở sử dụng toàn thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu và đào tạo những ngành nghề giản đơn là chính. Đào tạo nghề kiểu học chay, ít được thực hành như vậy nên dù tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề được báo cáo là tăng hàng năm nhưng luôn bị người sử dụng lao động chê vì tay nghề, kỹ năng hành nghề thấp. Do đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội, doanh nghiệp cũng như đòi hỏi thích ứng công nghệ mới, hiện đại ở các dây chuyền sản xuất nên tỷ lệ sinh viên, học viên tốt nghiệp các trường nghề phải đào tạo lại khá cao. Điều này ảnh hưởng đến năng suất lao động, sức cạnh tranh nguồn nhân lực nói chung.

Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, do hạn chế về kỹ năng nghề, năng suất lao động của Việt Nam giảm xuống chỉ còn hơn 3% vào năm 2008, trong khi đó 5 năm trước đạt 5,2%. So sánh với các nước trong khu vực và châu Á thì năng suất lao động của Singapore cao gấp 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Sự tụt hậu này không chỉ làm giảm năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực mà còn là lực cản thực hiện mục tiêu tăng giá trị gia tăng các sản phẩm nội địa và xuất khẩu. Như thế, yêu cầu cấp bách hiện nay là sớm tạo đột phá, đổi mới căn bản hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo, bổ sung kỹ năng nghề cho đội ngũ thợ - công nhân kỹ thuật, tạo đòn bẩy tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu cạnh tranh phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Nên nhập hai hệ thống thành một

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp bao gồm các trường đào tạo sơ cấp, trung cấp, CĐ và ĐH. Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đội ngũ lao động được đào tạo phải đồng bộ, cân đối giữa tỷ lệ kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân… Kinh nghiệm đào tạo nhân lực theo hình tháp với tỷ lệ ít kỹ sư, nhiều công nhân, kỹ thuật viên mà nhiều nước áp dụng đã thành công, thậm chí đưa đất nước họ lên vị trí phát triển vượt bậc. Còn ở ta nhìn tổng thể bức tranh đào tạo nghề của cả nước không chỉ lộn xộn, ngược đời và chẳng giống ai - Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TPHCM, tại buổi hội thảo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp - bắt đầu từ đâu, bằng cách nào?

Cũng như nhiều chuyên gia dạy nghề khác, ông Thành trăn trở rằng các trường CĐ, ĐH mở ra quá nhiều và cơ chế xin cho để lên đời, thay mác từ trường TCCN lên bậc CĐ, ĐH cũng đang nở rộ. Vì thế các trường thuộc hệ trung cấp phải lép vế, nhọc nhằn với hành trình tuyển sinh mỗi năm. Để khắc phục hình tháp ngược về dạy nghề và tình trạng hệ thống trường dị dạng như hiện tại cần phải quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp, trung cấp đến CĐ, ĐH theo mô hình thuận. Theo đó, phải loại bỏ trường đa cấp đào tạo đủ cấp như đã nêu trên và phân cấp rõ ràng về công tác đào tạo cho trường trung cấp, sơ cấp đúng chức năng hơn. Ông Thành nhấn mạnh, đã đến lúc phải sáp nhập hai hệ thống đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề thuộc hai Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH thành một hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất. Nhìn lại, hơn 10 năm kể từ khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp bị phân chia về hai bộ quản lý, chất lượng đào tạo nghề vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí nó còn yếu hơn vì nhiều lý do. Ở nhiều địa phương, năng lực quản lý các trường nghề, trung tâm dạy nghề yếu kém nên chất lượng dạy nghề thấp, nhiều dự án đầu tư tiền tỷ không mang lại hiệu quả, thậm chí thất thoát, lãng phí.

Cùng với việc đổi mới quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo xu thế hội nhập, phải mạnh dạn đổi mới chương trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề ở từng lĩnh vực, cấp đào tạo theo yêu cầu xã hội. Có như thế, chúng ta mới tạo cú hích - nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, có tay nghề, kỹ năng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế thời hội nhập. Hiện nay, nguồn lực dành cho các chương trình đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp không nhỏ nhưng đang bị phân tán, chia cắt manh mún nên khó đầu tư bài bản cũng như tạo ra môi trường học nghề, thực hành nghề hấp dẫn. Để nâng cao trình độ tay nghề của người lao động Việt Nam, cần phải áp dụng các chương trình đào tạo ngành nghề tiếp cận chuẩn của khu vực và thế giới.

Cuối cùng, để thanh niên, giới trẻ yên tâm chọn con đường vào trường nghề, gắn bó và tiến thân bằng sự đam mê nghề nghiệp thì nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, thay đổi cơ chế trả lương đúng theo năng lực, trình độ tay nghề của họ.

KHÁNH BÌNH

- Bài 1: Xu hướng thích làm thầy hơn làm thợ

Tin cùng chuyên mục