TPHCM nằm trong danh sách 10 thành phố (TP) của thế giới và 5 TP của châu Á sẽ bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực do thời tiết cực đoan. Mực nước biển dâng đe dọa cơ sở hạ tầng, làm nghiêm trọng hơn ở các khu vực thường bị ngập úng và khó khăn hơn cho công tác chống ngập. Các khu vực bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng là vùng phía Nam và Đông Nam của TP như huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 4, 7 và 8 cũng là vùng chịu tác động nặng của BĐKH lên ngành y tế.
Biến đổi khí hậu sẽ là nguy cơ làm tăng áp lực cho ngành y tế, gây khó khăn cho chương trình giảm tải bệnh viện của TP (trong ảnh: Một số bệnh viện tại TPHCM vẫn trong tình trạng quá tải). Ảnh: Đa Thiện
Biến đổi khí hậu tăng áp lực lên ngành y tế
Nhìn chung, ngoài tác động của BĐKH lên lĩnh vực y tế bên cạnh nguy cơ gia tăng số lượng người mắc bệnh hệ tim mạch, hệ hô hấp và các bệnh truyền nhiễm, TPHCM còn chịu sức ép quá tải lên cơ sở hạ tầng y tế do phải tiếp nhận di dân khí hậu từ các vùng lân cận.
Theo thống kê năm 2014, TPHCM có 13.608 cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa-chuyên khoa, trạm y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe của TPHCM đã phủ kín 322 phường, xã của 24 quận, huyện với số lượng ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng được cải thiện. Trong 102 bệnh viện có 68 bệnh viện công (13 bệnh viện trung ương và 55 bệnh viện địa phương) và 34 bệnh viện tư nhân; chưa kể 3 phòng khám khu vực, 25 trung tâm y tế dự phòng, 322 trạm y tế (264 nội thành, 58 ngoại thành), 9 trung tâm chuyên khoa không giường bệnh. Nhìn chung, một số bệnh viện trên địa bàn TP đều ở trong tình trạng quá tải, tỷ suất sử dụng giường bệnh cao do số bệnh nhân thường xuyên lớn hơn số giường bệnh. Do đó BĐKH sẽ là nguy cơ làm tăng áp lực cho ngành y tế, đồng thời làm khó khăn hơn cho chương trình giảm tải bệnh viện của TP, đặc biệt là các bệnh viện khu vực phía Nam TP.
Giải pháp ứng phó
Ngày 16-4-2014, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 1865/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành y tế TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, theo đó mục tiêu chính của quy hoạch là xây dựng ngành y tế của TP phải bảo đảm cân đối hài hòa giữa loại hình y tế công và dân lập thông qua việc thực hiện xã hội hóa đầu tư, trong đó y tế công lập giữ vai trò chủ đạo; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ngang tầm với ASEAN về số lượng, trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ bên cạnh trang thiết bị và kỹ thuật và xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến tuyến TP.
Theo quy hoạch, TP chưa phân tích, đánh giá sâu sắc ảnh hưởng của BĐKH đến lĩnh vực y tế và chưa đưa ra giải pháp đầy đủ để ứng phó. Tuy nhiên, thông qua các nội dung và kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng dịch vụ; đầu tư và cải tiến trang thiết bị theo hướng từng bước hiện đại hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cả số lượng và chất lượng đã thể hiện được một phần nội dung thích ứng với BĐKH của ngành y tế TP. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch sẽ gián tiếp góp phần giảm thiểu tác động BĐKH (giảm phát thải khí CO2) thông qua việc thuận tiện hơn cho người dân đi lại để khám chữa bệnh. Sự thuận tiện này được cụ thể hóa qua việc tính toán giảm khoảng cách di chuyển (tham gia giao thông) từ nhà đến bệnh viện và ngược lại, từ đó được tính toán ra lượng CO2 giảm phát thải.
TPHCM đã có chủ trương chọn 10 lĩnh vực ưu tiên để tập trung cho công tác ứng phó với BĐKH. Thứ tự ưu tiên bao gồm: quy hoạch, năng lượng, giao thông, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, nông nghiệp, y tế, xây dựng và du lịch, và giao cho Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TPHCM đưa các lĩnh vực này (trong đó có lĩnh vực y tế) vào kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2016-2020 của thành phố. Như vậy, để thích ứng với BĐKH, ngành y tế cần phải đảm bảo vững chắc hai công tác song song là công tác khám chữa bệnh và công tác phòng chống bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là công tác y tế dự phòng. Công tác khám chữa bệnh được bao hàm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho công tác khám chữa bệnh, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, hiện đại hóa trang thiết bị và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành y tế. Công tác y tế dự phòng bao gồm tuyên truyền, nghiên cứu, phòng chống dịch bệnh và làm sạch môi trường sống.
Để thực hiện kế hoạch hành động ứng phó BĐKH cho ngành y tế, TPHCM cần thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như: Xây dựng số liệu nền tảng về mức độ sẵn sàng và mức độ sẵn có của hệ thống y tế nhằm đáp ứng một mục tiêu cụ thể như thiên tai, thảm họa; xây dựng phương án và diễn tập các phương án ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa và bệnh dịch; xây dựng kế hoạch bổ sung trang thiết bị, cơ số thuốc và hậu cần; đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế am hiểu về BĐKH và đáp ứng được mức độ sẵn sàng ứng phó và xây dựng các tài liệu chuẩn cho hoạt động phòng chống thiên tai, thảm họa và bệnh dịch.
BS. Phùng Đức Nhật - Th.S Hà Minh Châu