Thời tiết đẹp và mang đậm không khí tết

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, thời tiết ở ba miền Bắc - Trung - Nam trong những ngày trước và trong Tết Nguyên đán năm nay rất đẹp, mang đậm không khí tết đặc trưng của mỗi miền, thuận lợi cho các hoạt động đón giao thừa, mua sắm, du xuân, lễ hội…
Đào rừng bày bán ở ngã ba Bãi Chạo (Kim Bôi - Hoà Bình). Ảnh: VĂN PHÚC
Đào rừng bày bán ở ngã ba Bãi Chạo (Kim Bôi - Hoà Bình). Ảnh: VĂN PHÚC

Tại miền Bắc, Tết Nguyên đán thường phải có rét và không khí lạnh để tô sắc nét cho màu hoa đào, hoa mận. Theo các dữ liệu quan trắc, ngày 28-1, một bộ phận không khí lạnh đã hình thành, di chuyển dần xuống miền Bắc nước ta. Từ ngày 29-1, miền Bắc bắt đầu trở rét. Theo ông Hoàng Phúc Lâm, các đợt không khí lạnh sẽ liên tục được bổ sung từ nay đến ngày 4-2 với cường độ mạnh, nên không chỉ miền Bắc mà khu vực Bắc Trung bộ (từ đèo Hải Vân trở ra) cũng sẽ đón giao thừa trong giá rét.

Theo đó, rét sẽ kéo dài nhiều ngày trước và trong tết, có thể xảy ra băng giá, mưa tuyết trong dịp Tết Nguyên đán này. Riêng từ ngày 31-1 đến 4-2, miền Bắc có thể xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết.

Tại miền Nam và Tây Nguyên cũng như khu vực Nam Trung bộ, trong dịp tết này có hình thái thời tiết chung mang đặc trưng của phương Nam mai vàng là “không có mưa hoặc mưa rào nhẹ, ngày nắng” xuyên suốt từ nay đến tận mùng 6 tết.

Tại TPHCM cũng như khu vực Đông Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là 30-33°C và thấp nhất là 21-24°C, nên rất thuận lợi cho hoạt động vui chơi, dã ngoại, tắm biển, đi du lịch…

Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng cảnh báo hiện tượng triều cường tại TPHCM và xâm mặn tại Tây Nam bộ sẽ ở mức cao trong những ngày đầu năm mới.

Chuyên gia Hoàng Phúc Lâm cũng cho biết, hiện nay trên khu vực Nam Biển Đông xuất hiện một vùng áp thấp có xu hướng mạnh dần lên. Nhưng áp thấp này sẽ di chuyển lên khu vực giữa Biển Đông rồi thoát ra ngoài, tan dần nên không ảnh hưởng tới đất liền nước ta. 

Tin cùng chuyên mục