Miền Trung

Tập trung mọi nguồn lực phòng chống bão số 10

Thừa Thiên - Huế: Rút ngắn kỳ họp HĐND tỉnh để tập trung đối phó bão
Tập trung mọi nguồn lực phòng chống bão số 10

Ngay trong ngày 11-12, các tỉnh, thành miền Trung đã tổ chức cuộc họp khẩn, triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bão số 10. Qua những bài học rút ra từ công tác phòng chống bão số 6 và cơn bão số 9 vừa đổ bộ vào các tỉnh phía Nam, đặc biệt chú ý đến công tác di dời dân, kiên quyết không để xảy ra những trường hợp chết do không thực hiện lệnh di dời, ở lại trên ghe thuyền trong lúc bão xảy ra.

Thừa Thiên - Huế: Rút ngắn kỳ họp HĐND tỉnh để tập trung đối phó bão

Tập trung mọi nguồn lực phòng chống bão số 10 ảnh 1
Ngư dân Đà Nẵng khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão số 10. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Do đường đi và tính chất phức tạp của cơn bão số 10, chiều qua (11-12), kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh (khóa V) đã bế mạc, rút ngắn 1 ngày để tập trung lực lượng chỉ đạo và trực tiếp tham gia phòng chống bão.

Đến chiều 11-12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Thủy sản đã kêu gọi 25 phương tiện đánh bắt thủy sản trên biển, với 160 lao động của Thừa Thiên – Huế về nơi trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, các khu cảng biển ở Thừa Thiên – Huế cũng đã hoàn tất tiếp nhận 18 phương tiện với 90 lao động đánh bắt của các tỉnh khác vào lánh nạn; trong đó, Quảng Bình có 3 phương tiện, Bình Định 7, Quảng Ngãi 1, Đà Nẵng 2.

Triển khai các phương án bảo vệ người, tài sản nhà nước và nhân dân, chú ý cảnh báo bão, di dời dân ở những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đai; bảo đảm an toàn giao thông và thông tin liên lạc, dự trữ lương thực thực phẩm, các loại nhu yếu phẩm để đề phòng bão đổ bộ vào đất liền.

Đà Nẵng: Sẵn sàng di dời 15.000 hộ dân

Sáng 11-12, UBND TP Đà Nẵng đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan, ban ngành cùng các địa phương để triển khai công tác phòng chống bão số 10. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, cho rằng: Dự báo đây là cơn bão mạnh, vì vậy công tác di dời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Dự kiến có khoảng 15.000 hộ dân phải di dời trong cơn bão số 10 này. Công tác tổ chức rà soát, lên kế hoạch di dời của các địa phương phải hoàn thành trước trưa 12-12. Yêu cầu các địa phương ngay trong chiều 11-12 phải đăng ký phương tiện, lương thực, thuốc men, chăn màn… phục vụ cho di dời  dân để UBND giải quyết kịp thời.

Đưa tất cả các tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu trên sông Hàn vào khu âu thuyền Thọ Quang. Việc này phải làm kiên quyết, bởi qua cơn bão số 6 đã có gần 10 người chết và bị thương khi cố tình ở lại trên thuyền neo đậu trên sông Hàn. Cuộc họp HĐND thành phố sẽ tạm hoãn để tập trung cho công tác phòng chống bão số 10.

Quảng Nam: Cưỡng chế 5 tàu vận tải ở khu vực biển Cù Lao Chàm

Tập trung mọi nguồn lực phòng chống bão số 10 ảnh 2
Bão số 10 được dự báo đi chếch lên phía Bắc.

Thông tin từ Đồn Biên phòng 276 (Hội An, Quảng Nam) cho biết, ngày 11-12, Đồn 276 đã vận động và cưỡng chế buộc 5 tàu vận tải vãng lai đang neo đậu khu vực biển Cù Lao Chàm phải vào nơi trú ẩn an toàn để tránh bão số 10.

Được biết, sáng qua, đồn đã phải vận động ráo riết để 28 chiếc tàu vận tải ở khu vực này phải di chuyển đến nơi an toàn. Tính đến cuối giờ chiều hôm qua (11-12), hầu hết các tàu thuyền của Quảng Nam đã vào đất liền và tìm nơi tránh bão an toàn.

Các vùng trọng điểm, xung yếu có thể bị chia cắt trong bão lũ, tỉnh yêu cầu địa phương có phương án di dời dân và tích trữ lương thực dài ngày. 

Điều lo lắng nhất hiện nay của Quảng Nam là dễ có khả năng xảy ra lũ và lũ quét trên diện rộng. Từ ngày 9 đến 11-12, trên địa bàn Quảng Nam xuất hiện mưa lớn nhiều nơi, có nơi lượng mưa đo được là 150mm khiến mực nước các sông đến trưa 11-12 đã lên trên mức báo động 1.

Quảng Ngãi: Nhiều người dân ven biển còn thờ ơ với bão số 10

Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin diễn biến của cơn bão số 10, nhưng nhiều người dân vùng ven biển thuộc 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vẫn còn thờ ơ với việc chuẩn bị đối phó với cơn bão số 10.

Có 200 hộ ở 2 xã này hầu hết nhà cửa rất tạm bợ nhưng không chèn chống. Được biết, chiều qua 11-12, chính quyền xã Nghĩa An vẫn chưa triển khai công tác phòng chống bão số 10 ở khu dân cư, một số cán bộ xã còn lúng túng khi đưa ra phương án phòng chống bão số 10.

Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lo lắng: “Nếu như bão số 10 đổ bộ vào Quảng Ngãi với sức gió cấp 10-12, thì thôn Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), xã Nghĩa An (huyện tư Nghĩa), thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức)… sẽ bị san bằng. Các hộ dân này không biết phải di dời đi đâu cho hết (!).

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cần lên ngay phương án di dời dân. Ưu tiên phương án không di dời dân tập trung đến những địa điểm công cộng mà di dời dân đến những nơi kiên cố, kết hợp chằn chống nhà cửa, trụ sở làm việc và có biện pháp bảo vệ tài sản của người dân.

    ĐBSCL: Nghiêm cấm hàng ngàn tàu ra khơi
(SGGP).- Trước tình hình bão số 10 diễn biến phức tạp, hôm qua (11-12), BCH PCLB tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều biện pháp đối phó với bão. Theo đó, Bến Tre đã liên lạc với trên 400 tàu thuyền đang đánh cá ở vùng biển Cà Mau và Nam Côn Sơn chủ động tìm nơi trú ẩn và giữ liên lạc thường xuyên với đất liền. Song song đó, nghiêm cấm khoảng 400 tàu thuyền ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú… không cho ra khơi. Tại Tiền Giang, Sở Thủy sản cũng liên lạc được hơn 236 tàu đánh bắt gần bờ và 18 tàu đánh bắt xa bờ, hướng dẫn các tàu vào nơi trú ẩn an toàn khi có bão ập đến.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 11-12, ông Lê Văn Sử, Phó giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau cho biết, mọi công tác phòng chống bão số 10 đã sẵn sàng, 262 tàu hoạt động gần bờ và 731 tàu hoạt động xa bờ ở vùng biển Cà Mau - Kiên Giang đã liên lạc được. Khoảng 2.622 tàu đã nhận lệnh không được ra khơi…

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục