Thông dòng trước, thoáng bờ sau

Cách nay vừa tròn 10 năm, ngày 9-6-2004, để xử lý nạn lấn chiếm sông rạch và chống ngập nước, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 150/2004 triển khai việc tháo dỡ các công trình, chủ yếu là nhà xây dựng trên hành lang sông rạch. Vậy nhưng, từ đó đến nay, vừa mất tiền, vừa tốn công nhưng dòng chảy nhiều sông rạch vẫn chưa thể thông.
Thông dòng trước, thoáng bờ sau

Cách nay vừa tròn 10 năm, ngày 9-6-2004, để xử lý nạn lấn chiếm sông rạch và chống ngập nước, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 150/2004 triển khai việc tháo dỡ các công trình, chủ yếu là nhà xây dựng trên hành lang sông rạch. Vậy nhưng, từ đó đến nay, vừa mất tiền, vừa tốn công nhưng dòng chảy nhiều sông rạch vẫn chưa thể thông.

        Vẫn còn rất nhiêu khê

Quyết định 150/2004 đã quy định về quản lý, sử dụng hành lang sông rạch trên địa bàn TPHCM, với chiều dài hành lang tính từ mép bờ cao của sông rạch (mép nước) trở vào bờ. Theo quy định này, hành lang sông cấp 1 - 2 là 50m, cấp 3 - 4 là 30m, cấp 5 - 6 là 20m và loại chưa phân cấp là 10m. Đây là hành lang trên bờ chứ không phải dòng chảy của kênh rạch. Những công trình, nhà cửa của người dân xây dựng trên hành lang này chỉ làm hạn chế chứ không làm cản trở dòng chảy.

Nguyên nhân chính làm cản trở, tắc dòng chảy là do việc đổ đất san lấp lấn chiếm và xây dựng công trình trên sông rạch. Vì thế, việc tập trung giải tỏa các công trình trên hành lang chỉ mới làm thoáng mặt bằng trên bờ bị lấn chiếm, chứ chưa có tác dụng thông dòng chảy. Đối với dòng chảy sông rạch, chỉ cần một công trình lấn ra sông cũng tạo thành cổ chai làm thay đổi, hạn chế chức năng thoát nước.

Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thực hiện Quyết định 150/2004 đã có 1.338 công trình, nhà ở bị tháo dỡ; song vẫn còn 8.000 công trình, nhà ở vi phạm lấn chiếm trên hành lang sông rạch từ trước thời điểm Quyết định 150/2004 có hiệu lực, được cho phép tồn tại, do vậy sắp tới sẽ tiến hành cấp giấy tờ nhà đất.

Như vậy, có điều chưa hợp lý và chưa giải quyết căn cơ, trong khi tháo dỡ 1.338 công trình, nhà cửa xây dựng trên hành lang sông rạch phát sinh sau năm 2004, nhưng lại cho phép công trình vi phạm trước đó tồn tại, không những không làm thông dòng chảy sông rạch, mà gây thắc mắc cho người dân.

Bãi xe số 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) san lấp lấn chiếm dòng chảy rạch Lăng, bị buộc nạo vét trả lại nguyên trạng.

Bãi xe số 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) san lấp lấn chiếm dòng chảy rạch Lăng, bị buộc nạo vét trả lại nguyên trạng.

Thực tế, nhiều năm qua, nạn san lấp lấn chiếm sông rạch trên địa bàn TPHCM vẫn rất trầm trọng. Có những vụ đình đám và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy các sông rạch như vụ Công ty Nhị Hiệp lấn và san lấp hàng trăm mét vuông của rạch Trao Trảu (quận 9); vụ san lấp hàng trăm mét vuông mặt nước để làm bãi đậu xe tại Rạch Lăng (quận Bình Thạnh); vụ lấp rạch, dựng tường bê tông, rào sắt tại rạch Ông Dầu (quận Thủ Đức)…

Những vụ san lấp lấn sông rạch, xây dựng công trình quy mô lớn, làm thu hẹp dòng chảy được phát hiện nhiều, nhưng việc xử lý sai phạm, buộc khôi phục nguyên trạng không thực hiện được bao nhiêu.

        Tập trung khai thông dòng chảy

Với đặc thù của TPHCM gắn liền với sông nước, diện tích đất đai nằm trong hành lang sông rạch phần lớn là đất đô thị, do người dân trực tiếp quản lý, sử dụng. Trong thời “tấc đất tấc vàng”, việc san lấp lấn chiếm sông rạch cứ diễn ra. Do Quyết định 150/2004 quy định về mốc lộ giới để bảo vệ, nhưng thực tế có không nhiều tuyến sông rạch được nhà nước thực hiện đền bù, giải tỏa lộ giới.

Vì thế, người dân vẫn có quyền sử dụng hợp pháp phần đất trên hành lang sông rạch. Không ít gia đình vì bức bách chỗ ở, thiếu đất làm nhà kho, hàng quán… nên đã cơi nới, xây dựng không phép trên hành lang sông rạch.

Để cứu sông rạch, chống ngập nước, việc cần làm hiện nay là khai thông dòng chảy, phải ưu tiên thông dòng trước, chứ chưa phải là tập trung làm thoáng bờ. Trước hết, những trường hợp san lấp lấn chiếm, xây dựng công trình trên dòng chảy phải được xử lý nghiêm, buộc tháo dỡ công trình và nạo vét hết đất đá đã đổ xuống sông rạch. Khai thông dòng chảy sông rạch, tạo cảnh quan đô thị là điều cần thiết. Trong tình trạng san lấp lấn sông rạch tràn lan như thời gian gần đây, chính quyền cần có biện pháp xử lý mạnh tay.

Để giữ được sông rạch mà không làm xáo trộn đời sống cũng như giảm thiệt hại cho người dân, chính quyền cần phân loại trường hợp vi phạm hành lang sông rạch và trường hợp san lấp lấn chiếm làm nghẽn dòng chảy. Nhà cửa, công trình của dân trên hành lang sông rạch chỉ tháo dỡ khi nhà nước có quyết định thu hồi đất, đền bù để thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang bờ sông. Còn đối với trường hợp vi phạm dòng chảy thì phải tháo dỡ ngay và xử lý nghiêm khắc.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục