
(SGGPO).- Chiều nay, 1-6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong quá trình thảo luận tại kỳ họp thứ 8, có 3 loại ý kiến về tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có HĐND, UBND nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị kế thừa kết quả thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, quy định theo hướng ở huyện, quận, phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính để quản lý nhà nước trên địa bàn.
Loại ý kiến thứ ba đề nghị cần có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị và tại địa bàn nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Ông Phan Trung Lý. Ảnh: Lã Anh
Theo ông Phan Trung Lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là vấn đề khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau cho nên phải tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc và đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị. “Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sau khi thảo luận, phân tích kỹ những mặt ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND)” – ông Phan Trung Lý cho biết. Đồng thời, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn và đô thị. Cụ thể, về tổ chức, ở thành phố trực thuộc trung ương thành lập thêm Ban đô thị của HĐND để chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, môi trường, tổ chức cung cấp dịch vụ công trên địa bàn nội đô. Chỉ quy định việc thành lập Ban dân tộc của HĐND ở những tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số mà không quy định việc thành lập Ban dân tộc đối với thành phố trực thuộc trung ương, quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND ở địa bàn đô thị được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý theo ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, uỷ quyền phù hợp giữa cấp thành phố với các thị xã, quận, phường... Ngoài việc quyết định ngân sách, nhân sự, HĐND ở thành phố trực thuộc trung ương còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị, quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND ở quận và phường chủ yếu tập trung quyết định những vấn đề về ngân sách, nhân sự và giám sát hoạt động của UBND.
Tiến hành thảo luận, hầu hết các đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu đều nhất trí giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có HĐND, UBND nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.
ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng phương án này thể hiện sự rành mạch, rõ ràng và dễ dàng áp dụng vào thực tiễn. Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) dẫn lại Hiến pháp năm 2013 để khẳng định nếu bỏ HĐND cấp huyện, phường sẽ là vi hiến.
Các ĐBQH cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến vào dự luật để hoạt động của HĐND thực chất hơn. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), mô hình chính quyền địa phương trong dự luật được đa số ĐBQH kỳ vọng, và là cơ hội vàng để củng cố, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, vấn đề tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách rất được quan tâm. “Thời gian qua, đại biểu HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, khiến hoạt động của HĐND giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, rất hình thức. Tuy nhiên, trong dự luật, số lượng đại biểu chuyên trách không thay đổi, dường như ban soạn thảo né tránh vấn đề này. Cứ thế này thì đâu lại vào đấy, hoạt động lại giới hạn ở hình thức mà thôi” - ĐB Huỳnh Nghĩa băn khoăn và đề nghị luật cần cơ cấu 30% đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, 20% ở cấp huyện, 15% ở cấp xã. Cũng cùng quan điểm này, nhưng ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đưa ra kiến nghị với mức “khiêm tốn” hơn: tăng đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh lên ít nhất 25%, ở cấp quận huyện lên 20%... Liên quan đến vấn đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng lâu nay HĐND hoạt động hình thức không phải do đại biểu mà do chưa trao cho công cụ đủ mạnh. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp theo Luật Đầu tư công và một số đạo luật khác.
| |
HÀM YÊN