

Đoàn đại biểu Việt Nam trong phiên khai mạc SOM II. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sáng 30-5-2006, tại TPHCM, sau 9 ngày làm việc, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM II) đã khai mạc phiên toàn thể. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng, Chủ tịch SOM năm APEC 2006, chủ trì hội nghị.
Các vấn đề được thảo luận để trình lên Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC diễn ra ngay sau SOM II vào ngày 1 và 2-6 bao gồm: những kiến nghị cho tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Thương mại về Vòng đàm phán phát triển Đô-ha của WTO, nâng cao chất lượng và tính minh bạch của những thỏa thuận tự do thương mại khu vực và song phương (RTAs/FTAs), cùng những thách thức mới nổi lên về an ninh con người.
Hội nghị nhất trí kiến nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC đưa ra tuyên bố riêng với một thông điệp chính trị mạnh mẽ về việc sớm kết thúc Vòng đàm phán phát triển Đô-ha của WTO vào cuối năm nay. Hội nghị cũng thống nhất khung Chương trình hành động thực hiện Lộ trình Busan hướng tới mục tiêu Bo-go để trình các Bộ trưởng Thương mại. Thống nhất thời gian thực hiện giảm thêm 5% chi phí kinh doanh từ năm 2007 đến 2010, triển khai thêm một bước trong việc soạn thảo các kế hoạch cải cách APEC. Hội nghị cũng thông qua chương trình công tác năm 2006 của Ủy ban chỉ đạo SOM về hợp tác kinh tế kỹ thuật (SCE) mà trọng tâm là nâng cao năng lực để thực hiện Lộ trình Busan và phát triển bền vững để giảm chênh lệch trình độ phát triển giữa các nền kinh tế thành viên.

Chủ tọa đoàn trong phiên họp toàn thể SOM 2.Ảnh: V.D.
Hội nghị cũng thông qua chương trình công tác năm 2006 của Nhóm đặc trách về tình trạng khẩn cấp, hoan nghênh tiến độ chuẩn bị cho diễn tập kiểm tra khả năng liên lạc khi xảy ra đại dịch cúm ở người; thông qua sáng kiến của Philippines về Cẩm nang APEC về chống khủng bố, sáng kiến của Australia về tổ chức Hội thảo chống tài trợ cho khủng bố và đề xuất của Mỹ về đảm bảo an ninh thực phẩm; nhất trí triển khai thêm một bước trong soạn thảo các kế hoạch cải cách APEC.
Hội nghị đã thông qua Kế hoạch tổ chức Liên hoan phim APEC lần thứ II và Triển lãm ảnh APEC do Điều phối viên mạng lưới các đầu mối văn hóa báo cáo; đồng thời xem xét và cho ý kiến vào các báo cáo từ các ủy ban, Nhóm công tác và Nhóm đặc trách về minh bạch hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hợp tác kinh tế kỹ thuật, tăng cường an ninh con người, an ninh sức khỏe và các sáng kiến bảo đảm an ninh năng lượng; xem xét các sáng kiến chống tham nhũng, phát triển khu vực tư nhân, sinh học nông nghiệp, hợp tác tương hỗ với các cổ đông, hợp tác trong giới trẻ, du lịch, trao đổi văn hóa và đối thoại tín ngưỡng.
Trong khuôn khổ SOM II, các hội nghị do Việt Nam tổ chức và chủ trì đã thu hút sự chú ý của nhiều nền kinh tế thành viên như Hội thảo APEC về kinh nghiệm thu hút đầu tư của các công ty xuyên quốc gia, Đối thoại công - tư về thuận lợi hóa thương mại, Đối thoại chính sách cấp SOM về các thỏa thuận tự do thương mại song phương và khu vực lần đầu tiên có sự tham gia của khu vực tư nhân. “SOM II đã ghi dấu ấn về một không khí hợp tác cởi mở, mang tính xây dựng rất cao của các nền kinh tế thành viên APEC, do vậy các kết quả đạt được sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình hợp tác APEC”, Chủ tịch SOM Năm APEC 2006 Lê Công Phụng khẳng định.
Ông Phụng cũng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, đó tiếp nồng hậu và sự thân thiện của lãnh đạo TPHCM cùng sự nhiệt tình trong công tác chuẩn bị của các ngành, các cấp đối với tiến trình hợp APEC và vì sự lợi ích chung của đất nước đã làm hết sức mình cho sự thành công của APEC VN 2006. Ông cũng đánh giá cao công tác bảo đảm an ninh trước và trong Hội nghị APEC của các lực lượng an ninh TPHCM và Trung ương.
- Mục tiêu Bô-go: Tuyên bố Bô-go năm 1994, các lãnh đạo APEC thống nhất một mục tiêu chung ( gọi là mục tiêu Bô-go) là phấn đấu đạt được thương mại và đầu tư tự do và mở cửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. - Chương trình Nghị sự phát triển Đô-ha (DDA) là cơ hội thuận lợi cho các nền kinh tế APEC nhanh chóng tiến gần hơn các mục tiêu Bô-go. Khi có kết quả của các cuộc đàm phán Đô-ha, các thành viên APEC sẽ cần xem phải tiến hành thêm các biện pháp tự do hóa và thuận lợi hóa nào trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới - WTO để giúp đạt được các mục tiêu Bô-go. - Chương trình nghị sự kinh doanh Busan: Chương trình nghị sự của APEC cần được hoàn thiện để theo kịp môi trường kinh doanh mới. APEC cần xây dựng một chương trình thuận lợi hóa kinh doanh toàn diện, chú trọng đến việc phát triển kinh tế tư nhân trên cơ sở các cam kết đã có trong kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại, bộ các tiêu chuẩn minh bạch hóa của APEC, cùng với các chiến lược liên quan đến các gánh nặng và rào cản hành chính trong nước đối với thương mại và đầu tư. |
THỤC–THANH-CẦM