Thông tin phát triển kinh tế xanh

  • Đừng lãng phí thực phẩm

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỷ tấn lương thực, tương đương với 1/3 sản lượng nông nghiệp toàn cầu. Cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày. Như vậy có hơn 1 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, trong khi còn gần 1 tỷ người trên trái đất đang thiếu đói. Việc lãng phí thực phẩm không chỉ là sự lãng phí về tài chính, ảnh hưởng an ninh lương thực mà còn tác động rất lớn tới môi trường. Sản xuất lương thực trên toàn cầu cần đến 25% diện tích đất, tiêu tốn khoảng 70% lượng nước ngọt, góp phần đến 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên, ảnh hưởng rất lớn đến biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM cho biết, trước những hậu quả to lớn từ việc lãng phí thực phẩm gây ra, TPHCM sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư, nhà hàng khách sạn, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch… tiết kiệm tránh lãng phí thực phẩm; hỗ trợ khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh có các hoạt động thân thiện môi trường; người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường hoạt động góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường  và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố như: Gia tăng mảng xanh đô thị, cải tạo nâng cấp và chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật như hệ thống kênh rạch, hệ thống thoát cấp nước, trang bị các tiện ích công cộng về vệ sinh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện vệ sinh môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ môi trường.

N.THƠM

  • Các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục tin tưởng vào thị trường Việt Nam

Kết quả khảo sát lần thứ 11 “Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu” hàng quý do Eurocham thực hiện vào ngày 31-5 cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang được cải thiện đáng kể. Đây là sự gia tăng liên tục lần thứ 2 và điều này đã thể hiện các doanh nghiệp châu Âu đang dần lấy lại lòng tin vào thị trường Việt Nam. Các chỉ số chính thể hiện hướng tăng trưởng này bao gồm triển vọng kinh doanh đã cải thiện, sự gia tăng doanh thu/đơn hàng và sự lạc quan về kinh tế vĩ mô. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp đánh giá tốt về tình hình kinh doanh hiện tại tiếp tục tăng từ 40%-43%. Quý trước con số này được đánh giá tăng từ 26%-40%. Các kế hoạch đầu tư theo báo cáo vẫn đang được cải thiện. Các doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng đáng kể đầu tư, tăng gấp đôi so với quý trước từ 7%-13%, trong khi đó số lượng đơn hàng và doanh thu cũng tăng từ 45%-53%. Sự phát triển tích cực này cũng tạo ra một tác động tích cực trong các kế hoạch tuyển dụng, có 39% doanh nghiệp hy vọng tăng số lượng nhân viên. Các chuyên gia đã nhìn nhận, những sáng kiến của Chính phủ và triển vọng về một Hiệp định thương mại bền vững giữa EU và Việt Nam dường như đã tạo ra sự gia tăng lòng tin vào nền kinh tế Việt Nam. Chủ tịch Eurocham, ông Preben Hjorlund cho biết, điều đáng khích lệ khi kết quả khảo sát liên tiếp tăng trong 2 quý. Điều này thể hiện một sự ổn định về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như sự tiếp tục tin tưởng của các doanh nghiệp châu Âu về nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng cho dù điều này thể hiện một bước đi quan trọng trong định hướng đúng đắn thì đây là một bước đi nhỏ trên một con đường dài. Chúng ta cần nhìn thấy sự cố gắng của Chính phủ để cải thiện các vấn đề về cấu trúc cơ bản của nền kinh tế và một sự thực thi mạnh mẽ và tích cực Hiệp định thương mại tự do.

M.HẢI

Tin cùng chuyên mục