- Bà Mai Kiều Liên là CEO duy nhất của Việt Nam được lọt vào danh sách những CEO xuất sắc nhất châu á năm 2012
Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á - trụ sở tại Hong Kong vừa thông báo bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong những CEO được nhận giải thưởng “ASIAN EXCELLENCE RECOGNITION AWARDS 2012” (Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất châu Á năm 2012) với danh hiệu “Những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư”.
Giải thưởng “CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư” nằm trong khuôn khổ cuộc bình chọn “ASIAN EXCELLENCE RECOGNITION AWARDS 2012” của tạp chí Quản trị doanh nghiệp châu Á - tạp chí uy tín trong khu vực về quản trị doanh nghiệp, được khảo sát liên tục trong vòng 7 tháng của năm 2012 đến nay. Kết quả của cuộc bình chọn được Ban biên tập tổng hợp từ sự đánh giá của bạn đọc cũng như phỏng vấn những nhà đầu tư liên quan. Giải thưởng này sẽ tôn vinh những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu của các công ty nhà nước, tư nhân và cả những tổ chức phi lợi nhuận trong châu Á.
Trong đợt bình chọn lần thứ 3 của tạp chí này, bà Mai Kiều Liên là CEO duy nhất và đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng vinh dự này cùng với lãnh đạo các tập đoàn lớn khác trong khu vực châu Á như China Telecom, Maybank, DBS group, Singapore Ailines, HTC, Thaibev, Nissan group, San Miguel…
Nói về bà Mai Kiều Liên, tạp chí viết: “Giải thưởng này được trao cho bà để công nhận những cam kết lâu dài cho sự phát triển của quản trị doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư, hoạt động trách nhiệm cộng đồng, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với môi trường và kết quả tài chính của doanh nghiệp trong khu vực”. Đây cũng là lần thứ 2 bà Mai Kiều Liên được tạp chí Quản trị doanh nghiệp châu Á vinh danh. Vào tháng 5-2012 bà đã được tạp chí bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực châu Á trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp.
M.H
- Nhiều biện pháp chống biến đối khí hậu
Theo báo cáo của bộ Tài nguyên và Môi trường, để kịp thời ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, các địa phương đã tiến hành rà soát, đề xuất hơn 400 dự án ưu tiên.
Hội đồng liên ngành đã thẩm định, lựa chọn, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục 61 dự án theo Chương trình SP-RCC làm cơ sở phân bổ nguồn lực triển khai thực hiện theo từng giai đoạn. Các dự án tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết, không thể trì hoãn về ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm 3 nhóm chủ yếu: xây dựng, nâng cấp, gia cố các đoạn đê, kè xung yếu nhằm ứng phó với thiên tai lũ lụt, sạt lở đất, xâm nhập mặn gia tăng; xây dựng, nâng cấp, cải tạo hồ chứa nước ở những vùng có nguy cơ khô hạn cao, hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất ở những vùng có nguy cơ nhiễm mặn gia tăng; trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn để tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, rửa trôi, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do thiên tai gia tăng (lũ ống, lũ quét, sạt lở đất), bảo vệ các công trình vùng hạ lưu, điều hòa khí hậu, duy trì và phát triển sinh kế cho cộng đồng, cải tạo môi trường sinh thái…
H.T
- Nhiều giải pháp xử lý nước thải khu công nghiệp
Bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển công nghiệp nói chung và hệ thống các khu công nghiệp nói riêng ở Việt Nam đang tạo ra nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải và khí thải công nghiệp gây ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước từ các khu công nghiệp, trong đó có thể kể tới một vài nguyên nhân chính như công tác quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp còn nhiều bất cập; công tác đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; hạn chế về mặt cơ chế, chính sách và hạn chế trong nhận thức của cán bộ lãnh đạo, chính quyền các cấp, cộng đồng.
Về công tác quy hoạch, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự bất cập về địa điểm bố trí, quy mô và loại hình sản xuất của nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế – xã hội của dân cư địa phương, an ninh lương thực và chất lượng môi trường, sinh thái trong vùng. Để hạn chế tình trạng này, theo các chuyên gia cần phải thực hiện một số giải pháp sau: Đối với các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, chỉ cho phép tiếp nhận các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao hoặc ít gây ô nhiễm, các dự án áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện môi trường. Các doanh nghiệp thuê đất tại khu công nghiệp đều phải tuân thủ các quy định về xử lý nước thải sơ bộ.
Tại các tuyến cống thu gom nước thải từ các nhà đầu tư, cần có các giếng thăm cho phép tiếp cận và lấy mẫu, quan trắc lưu lượng và chất lượng nước thải từ các nhà máy trong khu công nghiệp. Chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần thỏa thuận rõ ràng với các chủ đầu tư: về chất lượng nước đầu vào trạm xử lý nước thải, các biện pháp kiểm tra, xử lý sự cố.
Về lâu dài, cần hướng tới việc thiết kế, xây dựng trạm xử lý nước thải tiên tiến, thân thiện với môi trường và bền vững; áp dụng các biện pháp như chọn vị trí và bố trí mặt bằng các công trình hợp lý, các giải pháp thay thế Clo để khử trùng nước thải sau xử lý; quan tâm đặc biệt đến việc xử lý và thải bỏ bùn, tái sử dụng/tuần hoàn nước thải, tận dụng nhiệt và các dòng năng lượng khác trong trạm xử lý nước thải và trong khu công nghiệp; đầu tư đúng mức cho phòng thí nghiệm hỗ trợ cho vận hành và kiểm soát xử lý nước thải; chú trọng đến việc chuẩn bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tiếp nhận và vận hành trạm xử lý nước thải.
K.D