Hôm nay 26-4, tại Hội trường TPHCM, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Văn phòng Trung ương Cục miền Nam và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong quá trình vừa xây dựng và bảo vệ căn cứ Trung ương Cục, vừa phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, dù gặp bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù chiến trường chia cắt, bom đạn ác liệt, trong rừng sâu hay những cuộc hành quân, di chuyển khẩn cấp rời căn cứ… cán bộ, nhân viên và chiến sĩ Văn phòng Trung ương Cục miền Nam không chỉ đổ mồ hôi, mà còn đổ cả xương máu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
| |
1. Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 10-1961, Hội nghị lần thứ nhất chính thức thành lập Trung ương Cục miền Nam đã được tổ chức. Lễ công bố quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam được tổ chức long trọng tại Mã Đà, căn cứ đóng tại Suối Nhung (chiến khu Đ), tỉnh Đồng Nai.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng trong đó có Văn phòng Trung ương Cục miền Nam cũng đã được thành lập, là sự kế tục và phát triển của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ thời kỳ 1954 - 1961 để phục vụ Trung ương Cục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn miền Nam và sau này trên chiến trường Nam bộ và khu VI theo nghị quyết Trung ương.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước phát triển với quy mô và cường độ ngày càng rộng lớn và quyết liệt, hoạt động của Văn phòng Trung ương Cục cũng không ngừng được mở rộng và phát triển về mọi mặt từ chất lượng đến quy mô và phạm vi, luôn bám sát với nhiệm vụ cách mạng, phương thức hoạt động và tổ chức của Trung ương Cục.
Để có điều kiện chỉ đạo sát tình hình phong trào đang đồng khởi, Trung ương Cục quyết định dời căn cứ từ Mã Đà về Bắc Tây Ninh. Về địa điểm mới, Văn phòng đã khẩn trương ổn định các điều kiện vật chất, giúp Trung ương Cục nhanh chóng tập trung chỉ đạo triển khai tổ chức, thực hiện nghị quyết của Trung ương Cục ở các địa phương và lực lượng vũ trang, đồng thời giúp tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tháng 2-1962.
Thời gian tiếp theo, khu vực có căn cứ của Trung ương Cục bị địch mở nhiều cuộc càn quét, đánh phá. Cơ quan Trung ương Cục được dời về chảng Riệc, đến tháng 10-1967 lại dời về rừng Le. Tại đây, Văn phòng phục vụ Trung ương Cục chỉ đạo cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.
Tháng 2-1969, địch dùng máy bay trực thăng đổ biệt kích gần rừng Le, căn cứ lập tức được di chuyển an toàn về căn cứ dự bị tại rừng Buôn và sau đó cơ quan phải di chuyển liên tục để tránh sự truy quét của địch ở khu vực biên giới trên đất ta và đất bạn. Đến tháng 2-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đã tổ chức đưa các đồng chí lãnh đạo và toàn bộ cơ quan Trung ương Cục về căn cứ mới tại khu vực chảng Riệc.
2. Sau khi trở về căn cứ trên đất ta, cách mạng thắng lợi dồn dập, căn cứ ngày càng ổn định, tình hình mọi mặt của Văn phòng Trung ương Cục ngày càng được cải thiện, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ hơn. Đây là giai đoạn giành toàn thắng cho cuộc kháng chiến nên công việc của văn phòng hết sức nặng nề và khẩn trương. Cán bộ, nhân viên và chiến sĩ đều hồ hởi, phấn khởi dốc hết tâm lực cho công tác.
Văn phòng Trung ương Cục vừa xây dựng căn cứ, vừa tập trung phục vụ Trung ương Cục hoàn thành nhiều công việc từ triển khai kế hoạch đối phó với địch phá hoại Hiệp định Paris đến phục vụ liên tiếp các hội nghị của Trung ương Cục, đặc biệt là phục vụ Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lãnh đạo giải phóng Sài Gòn và kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hoạt động thông tin, liên lạc với Trung ương Đảng luôn được bảo đảm an toàn, thông suốt; thông tin kịp thời về tình hình phát triển của cách mạng miền Nam, nhận sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đồng thời làm đầu mối, trung tâm liên kết các cơ quan, ban ngành, đoàn thể Mặt trận và Quân ủy Miền, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục kịp thời đến các cấp trong toàn miền.
|
Trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh, đã sáng tạo ra nhiều cách thức rất linh hoạt như viết bạch chỉ, đưa tài liệu theo đường giao liên công khai, hợp pháp hay qua điện đài, cơ yếu… bảo đảm các báo cáo tình hình, chủ trương, chỉ thị của trên được đưa tới địa chỉ nhận an toàn và đúng thời gian quy định. Nhiều lúc phải tiến hành trong trường hợp vừa di chuyển vừa làm việc, dưới làn đạn bom và các phương tiện kỹ thuật của địch dõi theo, tìm mọi cách để phá hoại, truy diệt hoặc vừa đào hầm hào vừa kết hợp vào mã dịch, đánh máy, phát hành tài liệu, văn bản.
Năm 1970, khu vực điện đài trong căn cứ bị trúng bom B52, sau khi khẩn trương khắc phục hậu quả, ăng - ten nhanh chóng được dựng lên và các máy tiếp tục vào chế độ làm việc ngay gần ngôi mộ mới đắp của đồng chí đài trưởng Mã Văn Lâm vừa hy sinh.
Bảo vệ, kịp thời di chuyển và xây dựng căn cứ trước sự truy quét, đánh phá ác liệt của kẻ địch, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục trên chiến trường (ở căn cứ cũng như quá trình đi công tác tới cơ sở), bảo đảm không có một đồng chí nào bị địch bắt hay hy sinh cho dù đây là chiến trường ác liệt, tất cả các căn cứ của ta đều nằm trong tầm bom pháo của Mỹ - ngụy.
Là địa bàn bị địch tiến hành nhiều cuộc càn quét có quy mô lớn, sau khi đưa quân Mỹ vào miền Nam, địch đã mở nhiều cuộc hành quân, càn quét lớn vào khu căn cứ, nhất là cuộc càn Junction City (1967) và cuộc hành quân vượt biên giới Campuchia (1970), tuy nhiên, văn phòng và các bộ phận đơn vị đã có kế hoạch chủ động tổ chức và đối phó tốt. Các lực lượng bảo vệ cũng như đông đảo cán bộ, nhân viên, chiến sĩ được tổ chức chặt chẽ thành khối sức mạnh tổng hợp, đánh địch từ nhiều tuyến, nhiều tầng, từ nhiều phía, bằng nhiều cách từ trong ra ngoài. Kết quả đã làm thất bại các cuộc hành quân của địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề, đồng thời bảo vệ an toàn tuyệt đối cán bộ lãnh đạo và cơ quan Trung ương Cục.
Cán bộ Văn phòng Trung ương Cục tích cực nghiên cứu, thường xuyên chia nhau xuống chiến trường, nắm bắt tình hình thực tế bằng mắt thấy, tai nghe; tổng hợp, phân tích đánh giá đúng thực trạng, dự báo sát đúng diễn biến tình hình địch - ta trong thời gian tới, đề xuất những ý kiến kịp thời, nhờ đó đã góp phần thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Trung ương Cục có những quyết sách, chủ trương đúng đắn trong lãnh đạo chiến tranh theo yêu cầu ngày càng cao của chiến tranh cách mạng.
Bộ phận nghiên cứu đã góp phần chủ yếu cùng các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung các hội nghị của Trung ương Cục và Thường vụ Trung ương Cục, nhất là đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan tham mưu của Quân ủy Miền. Việc bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho công tác và sinh hoạt của cơ quan Trung ương Cục, nhất là phục vụ nhu cầu về ăn mặc, ở, đi lại và chăm sóc y tế cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục được tổ chức tận tình và chu đáo trong mọi điều kiện. Kho trung chuyển thường được dự trữ hàng ngàn tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác. Việc tổ chức khai thác nguồn nhu yếu phẩm được tổ chức theo nhiều kênh rất linh hoạt kết hợp với đẩy mạnh sản xuất tăng gia tại chỗ.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân miền Nam đoàn kết một lòng, liên tiếp đánh bại các âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, đấu tranh cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sự trưởng thành, tiến bộ với nhiều thành tích xuất sắc trên các mặt công tác của Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn và vẻ vang của dân tộc. Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh…
TÔ BỬU GIÁM
(Nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Cục miền Nam)
| |
|