
(SGGPO). - Sáng nay, 3-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.
Điểm mới của dự luật (sửa đổi) là đã bổ sung một số điều khoản như quy định về kho chứa nổi, giàn di động là những kết cấu nổi chuyên dùng đã hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung cảng cạn là bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy nội địa quốc tế, cửa khẩu đường bộ quốc tế, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu chưa được quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005. Riêng các chủng loại tàu lặn, tàu ngầm mới xuất hiện ở Việt Nam là các loại phương tiện thủy có những đặc thù về hoạt động là chủ yếu dưới mặt nước, các đặc tính khác không giống như tàu biển nên quy định áp dụng cho tàu biển sẽ không phù hợp đối với tàu ngầm, tàu lặn. “Vì vậy cần có những quy định đặc thù riêng cho các đối tượng này” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Ảnh: Lã Anh
Ngoài ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam còn bổ sung nội dung về chính sách xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; chính sách ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất; ưu tiên phát triển đội ngũ thuyền viên đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế... nhằm tạo bước đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển.
Báo cáo thẩm tra dự luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết ủy ban tán thành việc Chính phủ mở rộng phạm vi sửa đổi Bộ luật Hàng hải với nhiều nội dung quan trọng nhằm phát huy vai trò của giao thông hàng hải đối với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới; cụ thể hóa một số quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, khắc phục những bất cập, hạn chế về mặt thể chế của pháp luật hiện hành, như quy định về quy hoạch, xây dựng cảng biển, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, xây dựng đội tàu biển, phát triển dịch vụ hàng hải, vận tải biển, xây dựng nguồn nhân lực hoạt động hàng hải; luật hóa nhiều quy phạm về hàng hải trong văn bản dưới luật đã được thực tế kiểm nghiệm, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý; bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải. “Những sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển, tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, để nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như đã được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng” – ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Ông Phan Trung Lý. Ảnh: Lã Anh
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, giao thông hàng hải không chỉ có vai trò quan trọng đối với phát triển nền kinh tế quốc dân mà còn góp phần vào việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền của đất nước. Thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp hàng hải, đổi mới công tác quản lý nhà nước về hàng hải. Tuy nhiên, hoạt động giao thông vận tải hàng hải của nước ta vẫn còn yếu so với yêu cầu thực tế và tiềm năng, thế mạnh của một quốc gia ven biển. Do đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung những chính sách pháp luật về hàng hải nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy phát triển căn bản ngành hàng hải nước ta. Để có thể thực hiện được mục tiêu này, cần nghiên cứu phân cấp hợp lý việc quản lý cảng biển; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm đến mức tối thiểu các thủ tục, yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng hải; có giải pháp giải quyết đồng bộ, hợp lý bảo đảm hài hòa lợi ích giữa cảng hàng hải chuyên dùng với cảng cá của nhân dân tại một số địa phương; tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải; có cơ chế hợp lý để quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước; đồng thời, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên.
| |
HÀM YÊN
Về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, TS Trần Du Lịch:
Đánh giá dự án trên quan điểm phát triển vùng, phát triển quốc gia
Ngày mai 4-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai (CHKLT) với một số điểm điều chỉnh quan trọng so với dự án đã trình Quốc hội tại kỳ họp trước. Ở cương vị một ĐBQH TPHCM, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM, chia sẻ với phóng viên báo SGGP góc nhìn riêng của ông về dự án. Ông Trần Du Lịch nhấn mạnh:
Quốc hội bàn về CHKLT lần này là bàn về chủ trương đầu tư giai đoạn 1, làm đến năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/ năm, vận hành song song với cảng hàng không Tân Sơn Nhất (CHKTSN) cùng công suất 25 triệu; thực hiện đến năm 2035 - 2040. Điều đó có nghĩa là nếu Quốc hội thông qua chủ trương, nếu CHKLT được xây dựng, vận hành giai đoạn 1 thì không ảnh hưởng gì tới CHKTSN cả, vẫn phải tiếp tục khai thác tốt CHKTSN. Kinh tế - xã hội TPHCM cũng chưa có gì bị ảnh hưởng. Chúng ta đã có một ví dụ ở Tokyo. Thành phố này có sân bay nội đô Haneda, tương tự như CHKTSN với TPHCM; sau đó xây thêm sân bay mới Narita cách đó 70 km. Mặc dù Narita là sân bay quốc tế trung chuyển lớn như vậy, nhưng Haneda vẫn giữ nhiều đường bay quốc tế; từ Hà Nội vẫn có thể bay tới Haneda. Tức là để thuận tiện cho hành khách, người ta vẫn phân chia các đường bay ra cho cả 2 sân bay. Nội thành thì không được bay một số giờ ban đêm để không ảnh hưởng đến người dân.
Vậy sân bay Long Thành có phục vụ cho TPHCM không? Có gì không được? Sân bay Long Thành nằm trong vùng đô thị TPHCM; với tốc độ phát triển đô thị hiện nay thì 20-30 năm sau mức độ đô thị hóa ở toàn Vùng đô thị sẽ khá đồng đều.
* Theo ông, việc đưa vào vận hành CHKLT có tạo điều kiện cải thiện được cuộc sống của người dân TPHCM không?
* Là một đại biểu đại diện cho cử tri TPHCM, tôi thấy đó là điều quan trọng nhất. Với sự ra đời và vận hành sân bay Long Thành, tôi cho rằng TPHCM sẽ đỡ đi rất nhiều áp lực kẹt xe xung quanh CHKTSN; giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động hàng không đối với người dân trong khu vực xung quanh CHKTSN. Sân bay Long Thành cũng sẽ bổ trợ cho TPHCM phát triển, nếu nhìn vào sức lan tỏa của dự án.
* Vậy nhìn từ góc độ điều tiết hai sân bay TSN và Long Thành, ông cho rằng cần lưu ý điều gì?
* Phải có sự điều phối hợp lý, tránh cục bộ. Vì tâm lý là khi xây dựng một công trình mới, nhà đầu tư dễ có tâm lý muốn có nguồn thu sớm, khấu hao nhanh… Cho nên phải làm sao bố trí các đường bay hợp lý nhất. Hồi làm sân bay Đà Nẵng mới, tôi đã đề nghị tận dụng nhà ga cũ cho hàng không giá rẻ sử dụng, nhiều nước cũng làm như vậy để tạo điều kiện tiết kiệm chi phí, phát triển hàng không giá rẻ. Nhưng có lẽ để khấu hao nhanh mà tất cả hoạt động bay được chuyển hết qua nhà ga mới.
* Ông đã đi khảo sát sân bay Biên Hòa, vậy khả năng nâng cấp mở rộng sân bay này cho mục đích bay thương mại như thế nào?
* Đó là sân bay quân sự, có hai đường băng cách nhau có 300m; hạ tầng cơ sở trong khu vực không có. Cái được duy nhất, theo tôi, ở đây là đã có sẵn đường băng nhỏ nâng cấp lên thôi. Nhưng hai đường băng này quá gần nhau, không đáp ứng tiêu chuẩn hai đường băng cho máy bay thương mại; chưa kể sân bay này còn phải xử lý dioxin rất phức tạp.
* Còn nỗi lo nợ công cao, nếu phải đi vay để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành?
* Những công trình cấp thiết thì vẫn phải làm. Vấn đề là phải chống được thất thoát.
* Xin cảm ơn ông.
ANH THƯ thực hiện