Thu hút đầu tư nước ngoài: Trọng chất hơn lượng

Luồng gió mới
Thu hút đầu tư nước ngoài: Trọng chất hơn lượng

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời vào cuối năm 1987 đến nay, đã gần 25 năm trôi qua. Cùng với nhịp đập của nền kinh tế thế giới và trong nước, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trải qua nhiều thăng trầm. Dù luôn đóng góp một phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng không phải không có những hạn chế nhất định trong quá trình thu hút và thực hiện FDI.

Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Đức Trí

Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Đức Trí

Luồng gió mới

Không thể phủ nhận FDI đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ trọng FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội 1991-2000: 30%, 2001-2005: 16%, 2006-2011: 28%. Đóng góp vào GDP của khối doanh nghiệp FDI thời kỳ 2001-2005: 14,5%, tăng lên 20% năm 2010; nộp ngân sách nhà nước năm 2010: 3,1 tỷ USD gần bằng cả 5 năm 2001-2005 (3,5 tỷ USD). FDI tạo ra khoảng 40% giá trị sản lượng công nghiệp, góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh tế (như khai thác, lọc hóa dầu, ô tô, xe máy, điện tử, xi măng, sắt thép, thực phẩm, thức ăn gia súc...); đồng thời góp phần hình thành một số khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng, Nam Thăng Long, nhiều khách sạn 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, văn phòng cho thuê... Nhờ các dự án FDI, lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bán buôn, bán lẻ đã tiếp nhận được phương thức kinh doanh hiện đại, công nghệ tiên tiến, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp dân cư.

Về khía cạnh xã hội, tính đến cuối năm 2011, khu vực này đã tạo ra hơn 2,3 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp. Đặc biệt trong số này có hàng vạn kỹ sư, nhà quản lý trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề.

Nhận rõ những mặt trái

Gần đây, cùng với đà suy giảm của dòng vốn này trong bối cảnh khó khăn chung và mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia tiếp nhận FDI ngày càng trở nên gay gắt, nhiều mặt trái cũng dần được nhận diện rất rõ: nhiều dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế, sử dụng máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thậm chí cố tình ăn gian chi phí bảo vệ môi trường bằng cách vi phạm pháp luật. Kịch bản “lỗ giả lãi thật” của một số doanh nghiệp FDI vẫn còn đất diễn, bất chấp lời “tuyên chiến” từ các cơ quan quản lý...

Đáng lưu ý, theo báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010” của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam thì “doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ và có lợi nhuận thấp, chủ yếu làm thầu phụ cho các công ty đa quốc gia lớn hơn, do đó thường nằm trong khâu thấp nhất của giá trị sản phẩm”. Chỉ khoảng 5% doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành công nghệ hiện đại, 5% vào dịch vụ khoa học - công nghệ, 3,5% vào dịch vụ tài chính, quản lý đòi hỏi kỹ năng cao.

Xúc tiến đầu tư cần cách tiếp cận mới

Một mặt khẳng định FDI tiếp tục là nguồn vốn quốc tế quan trọng đối với Việt Nam, khi viện trợ phát triển (ODA) sẽ giảm, còn đầu tư gián tiếp vừa chưa đáng kể vừa thiếu ổn định; mặt khác, Chính phủ mới đây đã đưa ra nhiều thông điệp mạnh mẽ nhằm định hướng nguồn vốn FDI với phương châm coi trọng chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội hơn là số lượng dự án đăng ký đầu tư.

Không phải ngẫu nhiên các báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài về tình hình thu hút FDI những năm gần đây nhấn mạnh vào lượng vốn được giải ngân thực tế hơn là số vốn đăng ký - nhiều khi nghe rất “khủng”, nhưng dự án thì mãi mãi nằm trên giấy! Nhiều dự án tỷ đô, như Bãi biển Rồng ở Quảng Nam, đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư, trả lại cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự có năng lực. Một số dự án xây dựng sân golf, casino; dự án tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, di tích, danh thắng... vừa qua đã bị các địa phương kiên quyết nói “không”.

Tuy nhiên, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, để thực hiện thành công định hướng thu hút và quản lý FDI mới, cần đổi mới đồng bộ về thể chế, luật pháp, công tác quy hoạch, quản lý nhà nước, từ khâu xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép, hướng dẫn, triển khai dự án cho đến theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải tiến phân cấp quản lý, thiết lập hệ thống thu thập và xử lý thông tin về FDI...

Ông Mại cũng chỉ ra một yêu cầu quan trọng khác, đó là Luật Doanh nghiệp năm 2005 cần được sửa đổi cơ bản. Đã đến lúc cần xây dựng Luật Doanh nghiệp mới với những điều khoản đáp ứng đòi hỏi đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế trong tình hình hiện tại, có dự báo cho 10 - 20 năm tới, đủ chi tiết để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp. Và để tạo môi trường pháp luật đồng bộ, Luật Đầu tư năm 2005 cũng cần được sửa đổi, chú ý đến những đặc điểm của FDI và doanh nghiệp FDI...

Đặc biệt, thay vì “trải thảm đỏ” tràn lan, cạnh tranh với địa phương bạn bằng cách xé rào ưu đãi hay dễ dãi cho qua những khiếm khuyết của dự án FDI, công tác xúc tiến đầu tư cần có cách tiếp cận mới. Việc Chính phủ và chính quyền các cấp sớm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam vượt qua tình trạng khó khăn chính là quảng bá rộng rãi chính sách và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước ra bên ngoài một cách thuyết phục nhất.

Không thể ngồi chờ nhà đầu tư tự đến với mình, đội ngũ xúc tiến đầu tư cần tập trung vào 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới với dự án công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin về điều kiện đảm bảo đầu tư theo yêu cầu của từng tập đoàn mục tiêu đó thay vì những cuộc hội thảo, triển lãm rầm rộ tốn kém và không hiệu quả. “Chỉ có bằng cách đó, người Việt Nam mới khôn ngoan hơn, tiếp nhận vốn đầu tư quốc tế có hiệu quả và phát triển bền vững”, GS Nguyễn Mại nhận định.

Tính chung, từ năm 1988 đến năm 2011, tổng vốn đăng ký còn hiệu lực của 13.496 dự án FDI là 195,9 tỷ USD, vốn thực hiện là 88,2 tỷ USD.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục