Khu Công nghiệp Mỹ Phước

Thu hút nhiều nhà đầu tư

Thu hút nhiều nhà đầu tư

Chỉ sau 5 năm triển khai, Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước, huyện Bến Cát (Bình Dương) đã thu hút 190 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các tập đoàn kinh tế nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh…

Trọng tâm: chính sách bồi thường

KCN Mỹ Phước được thành lập theo giấy phép đầu tư số 452/QĐ-TTg ngày 14-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ, do Công ty Thương mại- Đầu tư và Phát triển (Becamex Corp) làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

KCN có thời gian hoạt động 50 năm, triển khai thành nhiều giai đoạn. KCN Mỹ Phước thu hút nhiều nhà đầu tư là nhờ lợi thế về địa lý và chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như của Chính phủ.

Thu hút nhiều nhà đầu tư ảnh 1

Một khu công nghiệp có vị trí thuận tiện được chính quyền địa phương giải quyết nhanh thủ tục, vừa được hoàn tất. Ảnh: ĐÀI TRANG

Nằm tại trung tâm của khu vực tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam, KCN Mỹ Phước cách thành phố Hồ Chí Minh 40km về phía Bắc, giáp ranh với thị xã Thủ Dầu Một.

Vì vậy KCN đã hưởng được các lợi thế như sân bay, cảng biển, đặc biệt tuyến đường huyết mạch nối xuyên suốt các tỉnh khu vực phía Nam đã nâng cấp mở rộng 6 làn xe.

Ngoài những lợi thế sẵn có, Ban quản lý (BQL) KCN Mỹ Phước có nhiều giải pháp, chiến lược hợp lý trong quá trình triển khai dự án, giúp các nhà đầu tư thật sự yên tâm đầu tư.

“Để sớm có mặt bằng, giải pháp tiên quyết là việc đền bù giải phóng phải được quan tâm, sớm công khai chính sách đền bù đất đai, cây trồng, nhà cửa; chính sách tái định cư cho người bị giải tỏa trắng”, đại diện BQL KCN nhấn mạnh.

Được sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền, BQL đã vận động, giải thích người dân trong vùng quy hoạch phải giải tỏa di dời; tạo được sự đồng thuận giữa người dân với đơn vị chủ đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ đó tránh được những tranh chấp, phiền hà làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Trong khâu xây dựng cơ sở hạ tầng BQL đều cho tiến hành dứt điểm từng khu vực trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết toàn khu, nhằm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư lẫn hiệu quả hoạt động, sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư.

Một cửa và... trọn gói

Theo một lãnh đạo tỉnh Bình Dương, KCN Mỹ Phước là một trong những khu vực đang được quan tâm nhiều nhất tại Bình Dương. Do đó chính quyền địa phương đang tạo ra chính sách “một cửa”, hỗ trợ các dịch vụ tiện ích giúp các doanh nghiệp đầu tư vào đây được nhanh chóng, thuận lợi.

Có thể nói, yếu tố thuận lợi đầu tiên chính là xây dựng “trọn gói” các dịch vụ phục vụ trong KCN như nhà ở cho công nhân, chuyên gia; cung cấp các dịch vụ là khu thương mại, ngân hàng, bưu điện, dịch vụ giao nhận hàng, căn tin phục vụ cho công nhân… được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Bên cạnh đó, BQL còn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư như: giá thuê đất thấp nhất so với mặt bằng giá cho thuê của các KCN khác với phương thức thanh toán linh hoạt, miễn tiền thuê đất trong 7 năm cho các dự án có tỉ lệ xuất khẩu trên 80%.

Có hệ thống hải quan ngay tại KCN thuận tiện cho các nhà đầu tư trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa. BQL còn chịu trách nhiệm giải quyết cho các nhà đầu tư trong việc tiến hành các thủ tụ xin giấy phép đầu tư và sau giấy phép đầu tư (đăng ký hội đồng quản trị, con dấu, mã số thuế, cấp quyền sử dụng đất, an ninh trật tự...).

Ngoài ra, BQL còn thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm giới thiệu KCN, những chính sách ưu đãi và ngành nghề khuyến khích đầu tư như công nghiệp chế biến nông lâm sản, may mặc, cơ khí…

Chính nhờ các chính sách linh hoạt, sau hơn 5 năm triển khai, giai đoạn 1 (400 ha) và giai đoạn 2 (800ha) KCN Mỹ Phước đã phủ kín các nhà đầu tư thuê đất và đầu tư sản xuất.

Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn như Công ty Kaiser (Đài Loan) chuyên chế biến gỗ lớn nhất Việt Nam, xuất khẩu vào thị trường Mỹ với vốn đầu tư 40 triệu USD (30 ha); Công ty Kumho Tires (40ha) của tập đoàn Kumho Asiana (Hàn Quốc); ICI Paints thuộc tập đoàn ICI (Vương Quốc Anh), Công ty TNHH Giấy Kraft Vina chuyên sản xuất bao bì cao cấp của tập đoàn SCG Siam Cement (Hoàng Gia Thái Lan) với vốn đầu tư 22 triệu USD…

Ông Trương Phước Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Kaiser cho biết: “Sau khi tìm hiểu tất cả các KCN ở Việt Nam, nhưng cuối cùng công ty quyết định đầu tư tại KCN Mỹ Phước vì ở đây có những chính sách ưu đãi tốt, địa bàn thuận lợi và chính quyền địa phương thật sự quan tâm giúp đỡ nhà đầu tư”.

Hiện nay giai đoạn 3 (2.200ha) đang được triển khai đạt 40% khối lượng công việc. Dự kiến sắp tới sẽ triển khai thêm giai đoạn 4, nâng tổng diện tích đất KCN lên hơn 4.000 ha. Như vậy với chính sách và cách làm hợp lý, KCN Mỹ Phước đang đạt nhiều thành công, sẽ góp phần thúc đẩy cho tỉnh Bình Dương phát triển mạnh…

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục