Thu không đạt dự toán thì phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi

Chiều 22-10, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách năm 2018, dự toán và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ trình Quốc hội dự toán thu NSNN năm 2019 hơn 1,41 triệu tỷ đồng; tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP 23% GDP, trong đó khoảng 20% GDP thu từ thuế, phí. Dự toán chi ngân sách hơn 1,63 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 429.300 tỷ đồng, tương đương 26,3% tổng chi NSNN và bằng mức kế hoạch trung hạn 3 năm (2018 - 2020). Trong đó, Chính phủ dự kiến chi khoảng 16.200 tỷ đồng cho tăng lương cơ sở thêm 100.000 đồng từ 1-7-2019. Cụ thể, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 7%. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng mức và thời điểm tăng lương cơ sở.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, bội chi năm 2019 dự kiến là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Đến cuối năm 2019, nợ công là 61,3% GDP, nợ Chính phủ 52,2% GDP; nợ nước ngoài quốc gia 49,9% GDP. Xét về tỷ lệ, bội chi NSNN năm 2019 giảm, nhưng xét về số tuyệt đối lại tăng 18.000 tỷ đồng, cùng với đó, nợ nước ngoài quốc gia sát ngưỡng 50% GDP. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để đảm bảo các mục tiêu đề ra đòi hỏi sự quản lý chặt vay vốn nước ngoài khu vực doanh nghiệp, cũng như thực hiện nghiêm không bảo lãnh vay vốn và không vay về cho vay lại.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, kết quả thu NSNN năm 2018 ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong nghị quyết của Quốc hội như: tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7%, thấp hơn mục tiêu 21% đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017; khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước không đạt dự toán, một số địa phương dự ước hụt thu nội địa cho thấy thu NSNN còn thiếu vững chắc. Thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt dự toán. 

Về chi NSNN, đánh giá tổng thể, cơ quan thẩm tra nhận xét, chi NSNN đã bảo đảm các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực chi thường xuyên, theo ông Nguyễn Đức Hải, việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao (năm 2017 là 62,46%; dự toán năm 2018 là 64,11%, ước thực hiện năm 2018: 63,29%). Bên cạnh đó, việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự. Công tác tổ chức phê duyệt quyết toán dự án đầu tư chưa nghiêm, các địa phương còn tồn đọng nhiều dự án hoàn thành, chưa được phê duyệt quyết toán theo quy định.

Về dự toán chi năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi NSNN cho các đoàn ra nước ngoài; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.


Cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, lĩnh vực chi đầu tư phát triển vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như: tình trạng giao vốn đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật chưa được khắc phục (giao vốn chưa hết, giao vốn rất chậm, giao nhiều lần vẫn xảy ra); tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn chậm; một số dự án chưa được thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư công nên phải điều chỉnh kế hoạch, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn; những tồn tại, hạn chế trong những năm trước của một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT chưa được khắc phục…

Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan này cơ bản tán thành với phương án Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6% GDP, giảm 0,1% GDP so với năm 2018 và đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi. Trường hợp tăng thu NSNN thì phải kiên quyết ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật NSNN. 

Về nợ công, theo cơ quan thẩm tra, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây (năm 2017: 62,6% GDP, năm 2018: 61,4% GDP, năm 2019 dự kiến: 61,3% GDP) song nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên (nợ Chính phủ năm 2017 là: 51,8% GDP, năm 2018 là 52,1% GDP, năm 2019 dự kiến: 52,2% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 là 45,2% GDP, năm 2018 là: 49,7% GDP, năm 2019 dự kiến: 49,9% GDP), đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới trần cho phép (50% GDP).

Tin cùng chuyên mục